Home » Bà chủ tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt, những dự án bất động sản liên quan bị ảnh hưởng ra sao?

Bà chủ tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt, những dự án bất động sản liên quan bị ảnh hưởng ra sao?

bởi Minh Tu

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát (VTP Holding Group) thuộc sở hữu của gia tộc họ Trương được xếp vào hàng những công ty gia đình giàu có nhất tại Việt Nam.

Tập đoàn này được biết đến là một doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án lớn trên “đất vàng” ở TP.HCM thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập.

Khu vực nằm trong bán kính 1 km2 phố đi bộ Nguyễn Huệ được đánh giá là vị trí vàng đối với bất kỳ dự án bất động sản nào. Giá đất ở khu vực này được đánh giá là đắt đỏ bậc nhất cả nước, thậm chí là ở khu vực châu Á. Trên con đường trị giá tỉ đô này, Vạn Thịnh Phát được cho là sở hữu hàng loạt dự án như Times Square, Uinon Square, khách sạn Duxton, VTP Office Building…

Ngoài ra, Vạn Thịnh Phát còn sở hữu hàng loạt dự án khủng ở trung tâm TP.HCM như Cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, Khách sạn Thương mại An Đông, Khu dân cư Bonville Land, Khu dân cư cao cấp Sterling Residence, Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence…

Năm 2015, tập đoàn này cũng đã bỏ ra hơn 700 tỉ đồng (tương đương 35 triệu USD) để mua lại căn biệt thự cổ từ thời Pháp ở trung tâm quận 3. Căn biệt thự xây dựng trên khu đất 2.819,5 m2, nằm ở giao lộ Võ Văn Tần – Bà Huyện Thanh Quan – Nguyễn Thị Diệu.

Cũng trong năm này, Vạn Thịnh Phát tạo hiệu ứng lớn khi mua lại chung cư Thuận Kiều Plaza (quận 5) bị bỏ hoang nhiều năm với hy vọng hồi sinh bất động sản đắt đỏ mà chung cư này sở hữu. Tòa nhà Thuận Kiều Plaza được xây dựng năm 1994, với diện tích xây dựng khoảng 100.000 m2, công trình này có 3 tòa nhà cao 33 tầng với hàng trăm căn hộ ở, phòng chức năng…

Ngoài các dự án nằm trên “đất vàng”, tháng 4/2016, Vạn Thịnh Phát cũng đã khởi công xây dựng dự án Saigon Peninsula (hay còn được gọi là Mũi đèn đỏ ở quận 7) với vốn đầu tư được công bố thời điểm mới ra mắt là 6 tỉ USD.  Tổng diện tích của dự án khoảng 118 ha, bao gồm công viên đa chức năng, bến cảng du thuyền quốc tế, văn phòng, khu biệt thự, căn hộ, khách sạn… Tuy nhiên, hiện dự án này vẫn “án binh bất động”.

Hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được biết đến với rất nhiều công ty liên quan. Nhưng trên trang web của tập đoàn này chỉ giới thiệu 3 đơn vị dưới hình thức là đối tác.

Thứ nhất là Sunny World – tập trung đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Đơn vị thứ hai là Viva Land. Đây là công ty quản lý và phát triển bất động sản được thành lập vào năm 2020 nhưng đã nhanh chóng mua lại hàng loạt dự án lớn.

Ví dụ, Tập đoàn Viva Land làm giới đầu tư rúng động vào đầu năm 2022, khi chính thức “thâu tóm” dự án Saigon One Tower có 2 mặt sông và 3 mặt tiền đường Tôn Đức Thắng, Hàm Nghi, Võ Văn Kiệt (quận 1, TP.HCM), hồi sinh dự án này với tên mới IFC One Saigon.

Ngay sau đó, công ty này mua lại Capital Place, tòa nhà văn phòng hạng A tại Hà Nội với giá khoảng 12.500 tỉ đồng…

Thị trường tiếp tục một cú sốc khác, khi Vivaland thế chân Masterise tại “siêu dự án” ở tứ giác Bến Thành, do Bitexco làm chủ đầu tư. Theo ghi nhận, hơn một tháng nay, logo Viva Land đã thế chỗ Masterise Homes xuất hiện trên hàng rào bao quanh công trường siêu dự án One Central HCM (quận 1, TP.HCM).

Tuy nhiên, kể từ hồi đầu năm, khi Masterise Homes ngừng thi công, đến nay dự án vẫn chưa có dấu hiệu thi công trở lại. Mới đây, website chính thức của Viva Land đã đưa dự án này vào danh mục dự án đang phát triển, với tên gọi mới là Pearl. Hình phối cảnh dự án không có sự khác biệt so với công bố trước đây từ phía Masterise Homes.

Cũng dính dáng đến Masterise Homes, Vivaland mới đây công bố trên trang web của mình về việc đã mua hơn 1.000 căn hộ hạng sang (3 block) tại tổ hợp Grand Marina Ba Son – khu vực đắc địa bậc nhất TP.HCM.

Ngoài ra, Viva Land cũng là nhà phát triển siêu dự án Đảo Tuần Châu (Quảng Ninh) và một dự án trên khu đất vàng rộng 13.000 m2 ở Hải Phòng, cùng một số dự án khác ở TP.HCM. Đồng thời, tập đoàn cũng đã chi tổng cộng hàng trăm triệu USD để mua lại khách sạn SO/Singapore và tòa nhà văn phòng Robinson Point Tower ở Singapore.

Ngày 8/10, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt với cáo buộc gian dối trong phát hành và mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng. Bà Lan, 66 tuổi, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Bộ Công an.

Bị can Trương Huệ Vân (34 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor); Nguyễn Phương Hồng (38 tuổi, trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát); Hồ Bửu Phương (50 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, cựu Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cũng bị khởi tố, tạm giam về cùng tội danh.

Nhà chức trách xác định, bà Lan cùng các đồng phạm đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân, giai đoạn năm 2018-2019.

Bà Trương Mỹ Lan còn có tên Trương Muội, là doanh nhân, tỷ phú người Việt gốc Hoa. Chồng bà là doanh nhân giàu có trong lĩnh vực bất động sản tại Hong Kong.

Bà thành lập Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát từ năm 1992, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng – khách sạn. Sau này công ty mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản với nhiều nhà hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng và cao ốc căn hộ.

Nguồn dẫn: Nguyên Minh/ Phụ nữ mới

Link bài gốc: https://cungcau.vn/ba-chu-tap-doan-van-thinh-phat-bi-bat-nhung-du-an-bat-dong-san-lien-quan-bi-anh-huong-ra-sao-174221010090618003.htm

Có thể bạn thích