Home » Câu chuyện đầu xuân: “Sếu đầu đàn” hội tụ vùng đất phương Nam Bình Thuận

Câu chuyện đầu xuân: “Sếu đầu đàn” hội tụ vùng đất phương Nam Bình Thuận

bởi Minh Tu

Cách đây khoảng 60 năm, tại vùng đất phía nam Bình Thuận lưu truyền phương ngữ: “Ai muốn nghỉ mát thì lên Đà Lạt; Ai muốn hốt bạc thì về Bình Tuy”.

Vùng đất Đà Lạt, khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ, thích hợp để nghỉ mát thì ai cũng biết. Còn Bình Tuy là một tỉnh mới thành lập (gồm các huyện phía nam… của Bình Thuận bây giờ) ít người biết tới nhưng với nhiều tiềm năng, được thiên nhiên ưu đãi như rừng vàng biển bạc, đất đai tươi tốt, mưa thuận gió hòa… Đã cuốn hút các dòng người tứ xứ đổ về đây sinh cơ lập nghiệp, và không ít người đã thỏa chí làm giàu.

Theo người xưa, 60 năm – “lục thập hoa giáp”, một vòng đời luân khởi của con người. Còn vùng đất – phải chăng cũng vậy, có phải đã đến chu kỳ của sự khởi phát không? Trong khi chờ thời gian trả lời, trước mắt đã thấy những tín hiệu đáng mừng từ vùng đất phương Nam Bình Thuận. Đó là việc hàng loạt tập đoàn kinh tế nổi tiếng trong và ngoài nước đã và đang xúc tiến đầu tư các dự án “khủng” trị giá nhiều tỷ đô la trên các lĩnh vực dầu khí, điện gió, khu công nghiệp – chế xuất, bất động sản, du lịch – thương mại… tại các huyện, thị phía nam Bình Thuận như La Gi, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam. Nếu các tập đoàn lớn này được ví như chim sếu đầu đàn trong giới đầu tư, thì quả là “sếu đầu đàn” đang bay về vùng đất phương Nam Bình Thuận!

“Sếu đầu đàn” phải kể đầu tiên đó là Dự án của Tập đoàn Becamex Bình Dương. Cuối năm 2021, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp – dịch vụ – đô thị Becamex VSIP Bình Thuận tại La Gi và Hàm Tân. Đây là dự án đầu tư liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam) và Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore).

Dự án có quy mô diện tích lên đến 4.984 ha. Trong đó khu công nghiệp có quy mô hơn 3.000 ha, khu đô thị có quy mô gần 2.000 ha. Tính đến thời điểm hiện tại, Becamex – VSIP là dự án khu công nghiệp có quy mô lớn nhất tại Bình Thuận. Với uy tín, kinh nghiệm kết nối “sếu đầu đàn” này đã kêu gọi hàng ngàn nhà đầu tư nước ngoài về Bình Dương, Quảng Ngãi, Bắc Ninh nơi Becamex đầu tư. Các khu công nghiệp mà Becamex phát triển được đánh giá là những khu công nghiệp thành công nhất của Việt Nam. Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Thuận được kỳ vọng sẽ thu hút hàng trăm các doanh nghiệp trong và ngoài nước với dòng vốn đầu tư hàng tỷ USD.

Một “sếu đầu đàn” khác, theo thông tin mới đây từ Bộ Công thương, “Thỏa thuận liên doanh thành lập Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ” giữa Tập đoàn AES và PVGas đã được ký kết tại New York (Mỹ) trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ nằm ở xã Sơn Mỹ, Hàm Tân (giáp ranh thị xã La Gi), có tổng vốn đầu tư dự kiến là 1,31 tỷ USD, công suất kho cảng là 3,6 triệu tấn/năm, dự kiến được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2025. Dự án này có vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo cung cấp khí hóa lỏng LNG cho nhu cầu phát điện của khu vực kinh tế trọng điểm tại Nam bộ nói riêng và cả Việt Nam nói chung.

Một “sếu đầu đàn” mang tầm cỡ quốc tế, đó là Dự án điện gió Thanglong Wind, được đầu tư bởi tổ hợp các công ty về năng lượng đứng đầu là Tập đoàn Enterprize Energy (Anh quốc) cùng các đối tác. Dự án đã được khảo sát, nghiên cứu trong nhiều năm, nằm ngoài khơi biển phía nam Bình Thuận, cách mũi Kê Gà khoảng 50 km, diện tích trên 2.000 km2. Tổng công suất của dự án là 3.400 MW. Vốn đầu tư được thu xếp cho toàn bộ dự án tương ứng khoảng 12 tỷ USD. Hiện tiến độ dự án đang giai đoạn lắp đặt và hoạt động phao nổi FLIDAR để thu thập số liệu hải dương học (sóng, gió, dòng chảy…).

Thời gian hoạt động phao nổi FLIDAR liên tục trong 12 tháng bắt đầu sau khi hoàn thành công tác lắp đặt từ cuối năm 2021. Giai đoạn I của Dự án Thanglong Wind sẽ được hòa lưới điện vào đầu năm 2023 với công suất 600 MW, 64 cột gió. Giai đoạn phát triển tiếp theo từ Thanglong Wind II đến Thanglong Wind V lần lượt đưa vào khai thác từ năm 2023 – 2026 với công suất mỗi giai đoạn 600 MW. Giai đoạn phát triển cuối là Thanglong Wind VI với công suất 400 MW.

Ngoài ra còn nhiều “sếu” khác, có thể kể như: Tập đoàn Danh Khôi và DKRA Vietnam đang xúc tiến đầu tư dự án phức hợp đô thị thương mại – dịch vụ và du lịch biển Lagi New City. Dự án có quy mô 43,4 ha và sở hữu 1,6 km mặt biển, mật độ xây dựng chỉ 36,6%. Lagi New City sở hữu phong cách hiện đại nhưng vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa miền biển. Với mục tiêu trở thành điểm đến biểu tượng của La Gi, dự án đã dành 4,2 ha cho diện tích cảnh quan và tiện ích nội khu; 4 ha để phát triển thương mại – dịch vụ.

Một dự án khác về đầu tư Khu công nghiệp ở Hàm Tân cũng nên được nhắc đến. Đó là, trong năm 2022 Tổng công ty cổ phần phát triển khu công nghiệp – Sonadezi sẽ triển khai dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Tân Đức. Theo quyết định, dự án có quy mô 300 ha, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, do Công ty CP Sonadezi Bình Thuận làm chủ đầu tư.

Vùng đất phương Nam Bình Thuận (La Gi, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam) đang có nhiều lợi thế, bao gồm cả thiên thời – địa lợi – nhân hòa để thu hút mạnh dòng vốn đầu tư với hàng loạt các dự án nhiều tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn trong nước và quốc tế như: Enterprize Energy (Anh quốc), AES (Virginia, Mỹ), liên doanh Becamex – VSIP, Vietsopetro, PVGas, Danh Khôi, Sonadezi… đã và đang quy tụ về đây qua việc đầu tư hàng loạt dự án quy mô lớn.

Qua những dự án của các “sếu đầu đàn” này đầu tư, sẽ hình thành những đại công trình và thu hút “đàn sếu” là hàng trăm dự án, nhà đầu tư thứ cấp khác đến đây cùng chung tay xây dựng, phát triển vùng đất phương Nam Bình Thuận trở nên giàu có và thịnh vượng.

Nguồn dẫn: HUỲNH THANH/ Báo Bình Thuận

Link bài gốc: https://baobinhthuan.com.vn/cau-chuyen-dau-xuan-seu-dau-dan-hoi-tu-vung-dat-phuong-nam-binh-thuan-94611.html

Có thể bạn thích