Home » Đầu tư cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương theo phương thức PPP

Đầu tư cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương theo phương thức PPP

bởi Minh Tu

Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương có chiều dài khoảng 73 km được Bộ Giao thông vận tải đề xuất giao UBND tỉnh Lâm đồng tiếp tục triển khai các bước để sớm nối thông tuyến cao tốc này.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa có văn bản thể hiện ý kiến đồng thuận với Bộ Giao thông vận tải, đồng ý giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức triển khai dự án đường bộ cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương, thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Với đoạn nối từ Tân Phú – Bảo Lộc, Phó Thủ tướng giao cho UBND tỉnh Lâm Đồng sớm hoàn thành hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng xem xét theo quy định pháp luật.

Theo Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương – Đà Lạt dài 208 km với quy mô 4 làn xe.

Bộ Giao thông vận tải đề xuất chia tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương – Đà Lạt thành ba dự án thành phần theo quy mô phân kỳ gồm: Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất triển khai thực hiện đoạn Tân Phú – Bảo Lộc với chiều dài khoảng 67 km, quy mô phân kỳ 4 làn xe theo phương thức đối tác công tư và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc trong giai đoạn 2021 – 2025 theo phương thức đối tác công tư, có sự tham gia hỗ trợ góp vốn của Nhà nước.

Dự kiến tổng mức đầu tư (chưa bao gồm lãi vay) của dự án này vào khoảng 18.200 tỷ đồng, gồm vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 9.700 tỷ đồng (trước mắt, bố trí 5.000 tỷ đồng để thực hiện); vốn ngân sách Nhà nước tham gia trong Dự án dự kiến bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 khoảng 9.700 tỷ đồng.

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết sẽ dành vốn đối ứng khoảng 3.000 tỷ đồng. Phần vốn Nhà nước tham gia vào dự án còn lại, khoảng 6.700 tỷ đồng sẽ do Ngân sách Trung ương bố trí.

Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ của liên danh Đèo Cả – Hưng Thịnh – đơn vị tài trợ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, có 2 phương án tuyến triển khai.

Với phương án hướng tuyến 1, dự án sẽ có điểm đầu tại Km59+596 (lý trình tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, đây cũng là điểm cuối của dự án thành phần 1 đoạn Dầu Giây – Tân Phú tại xã Phú Lợi, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại Km110+500, giao với quốc lộ 55 tại khu vực phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc. Tuyến có chiều dài tuyến khoảng 67 km, tổng mức đầu tư khoảng 18.218 tỷ đồng.

Phương án hướng tuyến 2, dự án có điểm đầu tại Km59+596 (đây cũng là điểm đầu của ohương án hướng tuyến 1); điểm cuối tại Km126+360, giao với quốc lộ 55 tại khu vực xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm. Chiều dài tuyến khoảng 51 km (trong đó có một hầm dài 700 m và một hầm dài 2 km). Với phương án này, tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 18.222 tỷ đồng.

Việc đầu tư xây dựng dự án đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc góp phần từng bước hoàn thiện tuyến đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương – Đà Lạt theo quy hoạch, kết nối hai địa phương; giảm tải cho quốc lộ 20 hiện hữu; đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng, giảm nguy cơ ùn tắc, tai nạn và góp phần phát triển kinh tế – xã hội khu vực.

Nguồn dẫn: Huy Hoàng/ Doanh nghiệp niêm yết

Link bài gốc: https://doanhnghiep.kinhtechungkhoan.vn/dau-tu-cao-toc-bao-loc-lien-khuong-theo-phuong-thuc-ppp-432021131175513421.htm

Có thể bạn thích