Để đảm bảo tiến độ chung của dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Chính phủ yêu cầu các địa phương phải tập trung hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng theo đúng cam kết, chậm nhất vào ngày 30-10-2021.
Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này đối với dự án Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây (dự án thành phần thuộc dự án Xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020) đoạn qua địa bàn tỉnh rất khó để hoàn thành dù diện tích chưa bàn giao mặt bằng còn lại không lớn.
Còn hơn 5ha đất chưa bàn giao
Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây được triển khai xây dựng trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận, có tổng chiều dài 99km; trong đó, đoạn đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài hơn 51km. Để phục vụ xây dựng dự án, Đồng Nai phải thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đối với diện tích gần 432ha thuộc quyền sử dụng của hơn 1,2 ngàn hộ gia đình, cá nhân và 8 tổ chức trên địa bàn 4 địa phương gồm: Long Khánh, Thống Nhất, Cẩm Mỹ và Xuân Lộc.
Theo Sở TN-MT, đến đầu tháng 10-2021, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho dự án. Trong số này, đã có 1.223 hộ gia đình, cá nhân trên tổng số 1.239 hộ gia đình, cá nhân trong vùng dự án và 8 tổ chức đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng. Như vậy, hiện toàn dự án chỉ còn 16 hộ gia đình, cá nhân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng với diện tích hơn 5ha.
Trên thực tế, diện tích chưa thực hiện bàn giao mặt bằng hiện còn rất nhỏ so với tổng diện tích của toàn bộ dự án đoạn đi qua địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng với diện tích còn lại này lại gặp rất nhiều khó khăn. Điều này cũng khiến cho việc hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đối với toàn bộ dự án theo như mốc thời gian chậm nhất vào ngày 31-10 tới mà Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đặt ra tại hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 vào ngày 14-9 vừa qua rất khó hoàn thành.
Chủ tịch UBND H.Thống Nhất Mai Văn Hiền cho biết, để phục vụ xây dựng đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đoạn qua địa bàn, địa phương phải thu hồi diện tích đất hơn 29ha của 65 hộ dân. Đến thời điểm này, đã có 61 hộ dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng. Hiện chỉ còn 4 hộ dân trên địa bàn huyện chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với diện tích đất hơn 2,7 ha. “Các hộ dân này vẫn khiếu nại vì chưa đồng ý với việc xác định vị trí đất, mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và việc áp dụng bảng giá đất. Các cơ quan chức năng của huyện đã thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhưng vẫn chưa được người dân đồng thuận”- ông Mai Văn Hiền cho biết.
Tương tự, tại 2 huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ hiện cũng chỉ còn 12 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn xoay quanh việc thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ.
Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Lê Khắc Sơn cho biết, trên địa bàn huyện hiện còn 5 trường hợp chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng đối với dự án. Trong đó, có trường hợp chưa đồng ý với mức bồi thường tài sản trên đất. “Hộ dân này có xây dựng một bể bơi và kê khai kinh phí hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, khi áp giá bồi thường thì thấp hơn nhiều so với mức trên nên người dân chưa đồng ý. Hiện nay, địa phương cũng đã mời đơn vị thẩm định giá độc lập thẩm định giá và đang trình Sở Tài chính xem xét để đề xuất UBND tỉnh phê duyệt giá bồi thường”- ông Lê Khắc Sơn cho hay.
Hoàn thành di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trong quý I-2022
Cùng với công tác giải phóng mặt bằng diện tích đất của các hộ gia đình, cá nhân, để phục vụ thi công đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, các địa phương cũng phải thực hiện công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật gồm: hệ thống lưới điện, cấp nước, viễn thông trong khu vực dự án.
Hiện nay, TP.Long Khánh là địa phương đang thực hiện công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu vực dự án nhanh nhất. Cụ thể, địa phương dự kiến sẽ hoàn thành di dời toàn bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công trong tháng 11-2021.
Trong khi đó, đối với 2 huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ, theo dự kiến phải trong quý I-2022 mới có thể hoàn thành di dời toàn bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu vực dự án. Cụ thể, tại H.Xuân Lộc, đối với hệ thống chiếu sáng và hệ thống viễn thông đã được triển khai di dời từ tháng 9 và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 10-2021. Đối với việc di dời hạ tầng lưới điện trung, hạ thế, địa phương dự kiến sẽ bắt đầu thực hiện trong tháng
11-2021 và hoàn thành thi công trong quý I-2022. “Riêng đối với hạng mục di dời hạ tầng lưới điện trung, hạ thế tại cầu vượt số 2 và 3, địa phương đang trình Sở Tài chính thẩm định và phê duyệt theo quy định”- ông Lê Khắc Sơn cho hay.
Tại H.Cẩm Mỹ, việc di dời hạ tầng lưới điện trung, hạ thế dự kiến sẽ được địa phương triển khai thực hiện và hoàn thành trong năm 2021. Tuy nhiên, đối với công trình điện cao thế 220kV và 500kV dự kiến sẽ hoàn thành thi công trong quý I-2022. Đối với hạng mục này, địa phương cũng đang trình Sở Tài chính thẩm định, phê duyệt giá bồi thường.
THEO PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH VÕ TẤN ĐỨC, DỰ ÁN ĐƯỜNG CAO TỐC PHAN THIẾT – DẦU GIÂY LÀ DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM QUỐC GIA. DO ĐÓ, CÔNG TÁC GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG PHẢI HOÀN THÀNH TRONG NĂM 2021 ĐỂ ĐẢM BẢO TIẾN ĐỘ CHUNG CỦA TOÀN DỰ ÁN. RIÊNG ĐỐI VỚI H.XUÂN LỘC PHẢI TIẾP TỤC THỰC HIỆN CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG 5 TRƯỜNG HỢP CÒN LẠI NHẬN TIỀN BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ BÀN GIAO MẶT BẰNG TRONG THÁNG 10-2021; H.CẨM MỸ CỐ GẮNG HOÀN THÀNH TRONG THÁNG 11-2021.
Nguồn dẫn: Phạm Tùng/ Báo Đồng Nai
Link bài gốc: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202110/giai-phong-mat-bang-du-an-cao-toc-phan-thiet-dau-giay-kho-hoan-thanh-dung-tien-do-3084284/