Dự kiến sẽ có tới 2,87 triệu tỷ đồng sẽ được bố trí cho Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 – 2025. Vấn đề là, làm sao để tiêu hết và tiêu hiệu quả những đồng vốn này?
Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành căn bệnh kinh niên của nền kinh tế. Để giải quyết dứt điểm, phải có các thuốc “đặc trị”, không phải chỉ bằng quyết tâm chính trị, mà phải bằng cả một kế hoạch đầu tư công trung hạn hiệu quả và có tầm nhìn xa.
Bài 1: Bàn cách tiêu 2,87 triệu tỷ đồng
Trong 5 năm của kế hoạch đầu tư công trung hạn đầu tiên (2016 – 2020), nền kinh tế có 2 triệu tỷ đồng để đầu tư. 5 năm sau, con số dự kiến tăng lên tới 2,87 triệu tỷ đồng. Vấn đề là, làm sao để tiêu hết và tiêu hiệu quả những đồng vốn quý báu này?
2 triệu tỷ đồng đã… đi đâu?
Có một câu hỏi luôn được đặt ra trong thời gian qua là vì sao, trong 5 năm qua, không có dự án quy mô lớn nào được hoàn thành, đưa vào sử dụng.
“Vậy thì 2 triệu tỷ đồng đó đã được đầu tư vào đâu?”, bà Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã nhiều lần đặt câu hỏi.
Và bây giờ, Chính phủ đã có câu trả lời. Trong bản báo cáo được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền Chính phủ gửi tới Quốc hội, thì trong giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn trên 1,8 triệu tỷ đồng cho các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, tổng mức đầu tư công hằng năm thuộc dự toán ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết nghị đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng, bằng 96,3% tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn, cao hơn 110.507 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn được giao.
Có được con số này chủ yếu do Quốc hội cho phép các địa phương có nguồn thu lớn, vượt thu được giao kế hoạch đầu tư công hằng năm từ nguốn vốn cân đối ngân sách địa phương. Còn thực tế, phần vốn ngân sách trung ương chỉ đạt trên 637.000 tỷ đồng, thấp hơn trên 130.000 tỷ đồng so với tổng mức kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương được giao.
Khoan nói tới câu chuyện vốn ngân sách trung ương không được thu xếp đủ, nhìn vào con số 11.000 dự án sử dụng vốn ngân sách được đầu tư trong giai đoạn 2016 – 2020 đã đủ thấy, Chính phủ đã phải vất vả nhường nào trong phân bổ vốn cho các dự án.
Chưa kể, khoản tiền này còn phải được dành cho hai chương trình mục tiêu quốc gia (gần 73.000 tỷ đồng) và dành giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản của giai đoạn trước (hơn 8.800 tỷ đồng, bao gồm cả hơn 1.000 tỷ đồng của các chương trình mục tiêu quốc gia).
Chưa hết, còn gần 90.000 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương ứng trước từ kế hoạch hằng năm đến hết năm 2015 phải thu hồi. Tuy cuối cùng, mới chỉ có hơn một nửa được bố trí trong giai đoạn này để thu hồi vốn ứng trước, số còn lại sẽ tiếp tục được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 để thu hồi, song cũng đã “ngốn” mất 41.600 tỷ đồng của kế hoạch trung hạn 2016 – 2020.
Và thực tế, trong tổng số 11.000 dự án được đầu tư trong 5 năm qua, cũng chỉ có 4.208 dự án khởi công mới, còn lại có tới 5.271 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước sang. Con số 11.000 dự án, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ bằng phân nửa so với giai đoạn trước đó. Tức là, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đầu tiên, việc đầu tư đã bớt phần phân tán và manh mún hơn.
“Nhưng trong giai đoạn này, một tỷ lệ rất lớn vốn đầu tư công trung hạn được dành cho các mục tiêu trả nợ xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước, vốn cho các dự án chuyển tiếp, vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia, nên thực tế, số lượng vốn còn lại không nhiều. Mà như thế, thật khó để nói đến chuyện dành vốn cho dự án lớn, hay khởi công mới dự án”, một vị chuyên gia trong ngành sau khi tính toán đã nói với phóng viên Báo Đầu tư.
Thực tế, chỉ một khoản vốn không lớn được dành đầu tư cho các dự án trọng điểm. Và đó là lý do vì sao, các dự án như cao tốc Bắc – Nam, Sân bay Long Thành… có thể được khởi công vào cuối kỳ trung hạn.
Tuy vậy, nhìn lại cả chặng đường 5 năm thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2016 – 2020, những thành tựu đã được ghi nhận. Khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí kém hiệu quả là một chuyện. Chuyện khác, theo báo cáo của Chính phủ, rất nhiều dự án cũng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Cụ thể, trong tổng số 11.000 dự án được đầu tư trong giai đoạn vừa qua, có 7.354 dự án đã hoàn thành. Trong đó, có 4.547 dự án chuyển tiếp và 2.807 dự án khởi công mới.
“Chúng ta đã hoàn thành, đưa vào khai thác được 468 km đường bộ cao tốc, bao gồm cả các dự án do địa phương kêu gọi đầu tư; nâng cấp được 600 km quốc lộ, 31 cầu lớn và cầu trung”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Có rất nhiều dự án có ý nghĩa có thể được kể tên. Chẳng hạn, các dự án cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long, đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện, tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, đường kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với Cầu Giẽ – Ninh Bình giai đoạn I, hay các cầu Hưng Hà, Thịnh Long, Vàm Cống, Cao Lãnh, rồi Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, 13 km đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông…
Đó mới là các dự án trong ngành giao thông. Còn rất nhiều dự án trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, y tế, xã hội, an ninh – quốc phòng… cũng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả. Còn có những tồn tại, hạn chế nhất định, nhưng 2 triệu tỷ đồng đã được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng đã khẳng định rằng, các dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng trong giai đoạn này đã phát huy hiệu quả kinh tế – xã hội, tạo động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Bàn cách tiêu 2,87 triệu tỷ đồng giai đoạn 2021 – 2025
Không phải chỉ là 2 triệu tỷ đồng, mà sẽ có tới 2,87 triệu tỷ đồng sẽ được bố trí cho Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 – 2025. Trong số này, vốn ngân sách trung ương là 1,5 triệu tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 1,37 triệu tỷ đồng. Con số này dự kiến sẽ chính thức được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội vào ngày 24/7 tới.
Kỳ họp Quốc hội tháng 10 năm ngoái, lần đầu tiên, Dự thảo Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 đã được đưa ra lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Nhưng khi đó, con số được báo cáo chỉ là 2,75 triệu tỷ đồng. Còn bây giờ, căn cứ vào kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2020 (cao hơn đánh giá tại thời điểm tháng 10/2020), dẫn đến dự kiến thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 tăng, Chính phủ đã quyết định đề xuất con số 2,87 triệu tỷ đồng, với chủ trương là sẽ giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư.
Con số này đã nhận được sự đồng tình của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngay cả Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, về tổng thể, so với giai đoạn 2016-2020, vốn đầu tư công dự kiến tăng 1,43 lần, tỷ trọng chi đầu tư phát triển dự kiến khoảng 28 – 29% tổng chi ngân sách nhà nước, cao hơn số kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020 là tích cực.
Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng đã lưu ý Chính phủ tiếp tiếp tục rà soát thận trọng nguồn thu để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ vững an toàn nợ công. Đồng thời, việc xác định dự toán chi đầu tư hàng năm phải dựa trên cơ sở thu ngân sách nhà nước thực tế từ thực lực của nền kinh tế, trường hợp hụt thu phải điều hành giảm chi tương ứng, vay đầu tư trong khả năng trả nợ, không tạo áp lực trả nợ quá lớn cho giai đoạn sau. Và tất nhiên, cũng phải bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng với các nhiệm vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Với con số được “tạm chốt”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ xác định sẽ ưu tiên nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, các dự án lớn, liên vùng, lan tỏa, các khu vực khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, đồng thời dành nguồn lực thích đáng hỗ trợ giải quyết các điểm nghẽn phát triển đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng vùng và cả nước…
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 – 2025 các bộ, cơ quan trung ương và địa phương dự kiến bố trí cho 4.979 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có 2.236 dự án khởi công mới. Như vậy, nếu tính bình quân, số vốn bố trí cho 1 dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016 – 2020 (88 tỷ đồng/dự án).
Theo đề xuất ban đầu, trong kế hoạch trung hạn 2021 – 2025, số vốn đầu tư 2,75 triệu tỷ đồng sẽ được dành cho khoảng 6.440 dự án. Trong đó, có 206 nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; 57 nhiệm vụ quy hoạch; 2.880 dự án chuyển tiếp; 3.304 dự án khởi công mới, bằng 78,5% số dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016 – 2020.
Con số trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là đã giảm một nửa so với giai đoạn trước. Tuy vậy, sau chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, rằng phải “siết” đầu tư công hơn nữa, tập trung vào các dự án trọng tâm, trọng điểm, kiên quyết cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả, con số còn lại chưa đến 5.000 dự án.
“Như vậy là sẽ có dư địa để đầu tư các dự án ra tấm, ra món”, một vị chuyên gia nói.
Chọn dự án “ra tấm, ra món”, có tính chất “quả đấm thép” là yêu cầu đầu tiên, nhưng lại rất quan trọng đối với việc xây dựng và triển khai thành công một kế hoạch đầu tư công trung hạn.
“Không chuẩn bị tốt, không có danh mục dự án tốt, thì có tiền cũng không giao vốn được”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Không chỉ là không giao vốn được, mà nếu không lựa chọn được dự án tốt, thì hiệu quả đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng.
(Còn tiếp)
Nguồn dẫn: Hà Nguyễn/ Báo đầu tư
Link bài gốc: https://baodautu.vn/thuoc-dac-tri-cho-giai-ngan-von-dau-tu-cong—bai-1-ban-cach-tieu-287-trieu-ty-dong-d147952.html