Home » ‘GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ đạt được bao nhiêu % là vấn đề chưa thể khẳng định được’

‘GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ đạt được bao nhiêu % là vấn đề chưa thể khẳng định được’

bởi Minh Tu

Đó là khẳng định của PGS-TS. Đào Văn Hùng, nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021. Theo PGS, kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lệ thuộc rất lớn vào việc kiểm soát đại dịch COVID-19 và diễn biến của kinh tế thế giới.

Khó dự đoán GDP năm 2021

PGS có bình luận gì khi vừa qua các tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ngày càng khó kiểm soát?

 PGS-TS. Đào Văn Hùng: Vừa qua, một số tổ chức tài chính, tiền tệ đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), HSBC, Standard Chartered. Cụ thể, ADB vừa đưa ra dự báo tăng trưởng năm 2021, được điều chỉnh giảm xuống còn 5,8% so với mức 6,7% được đưa ra hồi Tháng 4/2021 vừa qua.

ý do mà ADB đưa ra cho việc hạ dự báo tăng trưởng năm nay là vì các đợt bùng phát mới của dịch bệnh COVID-19 làm chậm quá trình phục hồi ở một số nền kinh tế trong khu vực. Triển vọng cho năm 2022 được nâng từ 5,3% lên 5,4%.

HSBC hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 6,1%, nhận định tỷ giá sẽ biến động mạnh. Nguyên nhân được HSBC cho là một làn sóng COVID-19 mới đang tiếp tục càn quét các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Kể từ cuối Tháng 4/2021, Việt Nam đang phải đối mặt với đợt dịch bùng phát tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Số ca nhiễm tăng nhanh, đặc biệt ở các khu công nghiệp, gây nhiều trở ngại đến hoạt động sản xuất.

Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,7% xuống 6,5% và nhận định nguyên nhân như ADB và HSBC.

Nhìn chung, báo cáo hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam năm 2021 là có cơ sở vì đại dịch COVID-19 tái diễn trên thế giới, Việt Nam áp dụng giãn cách xã hội theo Nghị định 16 của Thủ tướng Chính phủ cho TP.HCM và 16 tỉnh miền Nam. Các tỉnh này năm 2019 đã đóng góp khoảng hơn 45% GDP, và khoảng 42% tổng thu ngân sách. Việc giãn cách sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế và đóng góp cho tăng trường của các tỉnh này trong năm 2021.

Đại dịch cũng đang có dấu hiệu trở lại ở TP. Hà Nội và các tỉnh thành khác với mức độ lây nhiễm nhanh và khó kiểm soát hơn các đợt trước đây. Bên cạnh đó, về tiều dùng, đại dịch COVID-19 đã và đang làm giảm hành vi tiêu dùng của các nền kinh tế, do đó trong ngắn hạn cầu về tiêu dùng sẽ giảm đi và hệ quả là tổng cầu giảm sút, dẫn đến tác động làm giảm tăng trưởng GDP.

Như ý kiến của PGS, rõ ràng kinh tế tăng trưởng bao nhiều % trong 6 tháng còn lại của năm 2021 là vấn đề khó định đoán. Vậy theo ông, chúng ta có nên tập trung mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch COVID-19?

PGS-TS. Đào Văn Hùng: Ở phạm vi toàn cầu, các nền kinh tế nhìn chung đều được dự báo suy giảm tỷ lệ tăng trưởng năm 2021, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự ngừng trệ hoạt động kinh tế do các biện pháp giãn cách xã hội để kiểm soát đại dịch COVID-19, từ đó tác động lên tổng cung và tổng cầu.

Do đó, trong bối cảnh hiện nay, việc dự báo GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ đạt được bao nhiêu % là vấn đề chưa thể khẳng định được, vì kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lệ thuộc rất lớn vào việc kiểm soát đại dịch COVID-19 và diễn biến của kinh tế thế giới, trong khi diễn biến đại dịch không biết khi nào mới được kiểm soát hoàn toàn và cũng giống như Việt Nam, dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới cũng khó định đoán và thay đổi thường xuyên.

Do vậy, thay cho việc kỳ vọng vào tỷ lệ tăng trưởng chứng ta nên tập trung vào chống dịch và tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường kinh doanh thuận lợi để sau khi kiểm soát dịch COVID-19 nền kinh tế sẽ có điều kiện để phục hồi tăng trưởng.

Vậy theo PGS nhiệm vụ kép hiện Chính phủ đưa ra là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế liệu có làm được và nên ưu tiên mục tiêu nào trong bối cảnh hiện nay?

PGS-TS. Đào Văn Hùng: Bài học trong nửa đầu năm 2021 vừa qua cho thấy, chúng ta tin tưởng vào khả năng vừa kiểm soát dịch, vừa đảm bảo hoạt động kinh tế, song biến chủng Delta lây lan quá nhanh, áp lực thúc đẩy tăng trưởng đã dẫn đến dỡ bỏ sớm các biện pháp y tế phòng, chống COVID-19, trong khi lại chậm tiêm phòng vắc xin, đã khiến tình hình trở nên phức tạp hơn và hiện nay chúng ta không thể thực hiện được mục tiêu kép như kỳ vọng.

Vì vậy, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát thì thay cho kỳ vọng vào mục tiêu GDP, chúng ta nên đặt một mục tiêu là “dập dịch” và tập trung mọi nguồn lực cho mục tiêu này hơn là mục tiêu kép. Mục tiêu kép chỉ nên thực hiện khi tình hình COVID-19 được kiểm soát tốt, điều này có nghĩa là, chúng ta chấp nhận mức tăng trưởng tự nhiên, nhưng đại dịch được kiểm soát, sức khỏe người dân được đảm bảo.

Bài học theo đuổi mục tiêu kép của một số quốc gia đã cho thấy, rất khó cùng một lúc đạt được cả hai mục tiêu. Điển hình như Ấn Độ, sau khi kiểm soát được tương đối dịch bệnh đã nhanh chóng đưa ra kế hoạch phục hồi kinh tế, mở cửa, trong quá trình diễn ra dịch bệnh vẫn cho phép một số hoạt động kinh tế nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế, nhất là các nhà máy lớn

Hay Thái Lan đã cho phép du lịch trở lại và Indonesia chỉ khoanh vùng dịch, các đảo vẫn mở cửa và hậu quả là dịch COVID-19 quay trở lại số lượng ca nhiễm và ca tử vong tăng lên nhanh chóng gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Một số nhà kinh tế cho rằng, COVID-19 có thể sẽ kéo nền kinh tế Ấn Độ quay lại quy mô như 20 năm trước, thậm chí ảnh hưởng đến cả sự ổn định của Nam Á, tăng trưởng GDP của Indonesia năm 2021 sẽ giảm 1-1,5% do tác động của COVID-19 và COVID-19 tàn phá nền kinh tế Thái Lan hơn cả những cuộc suy thoái trước đây. Do vậy, các quốc gia này đã nhận ra và điều chỉnh mục tiêu và biện pháp điều hành kinh tế, không mạo hiểm với mục tiêu kép như trước đây.

Áp lực lạm phát vẫn rất lớn

PGS có thể cho biết những thách thức mà chúng ta có thể phải đối mặt khi thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế khi đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát?

PGS-TS. Đào Văn Hùng: Ngay cả khi đạt được mục tiêu kiểm soát dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và sẽ chịu tác động từ diễn biến kinh tế thế giớí, trong khi các nước đối tác quan trọng của chúng ta chưa thoát khỏi dịch COVID-19, quá trình phục hồi không vững chắc và chứa đựng nhiều tủi ro, ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam – một nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu.

Kinh tế vĩ mô mặc dù đã được ổn định trong thời gian qua, nhưng vẫn tiềm ẩn yếu tố bất ổn, lạm phát trên thế giới, đặc biệt ở Mỹ tháng 5 năm 2021 đã ở mức 5%, có dấu hiệu gia tăng sau khi Ngân hàng trung ương các nước nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy lạm phát ở Việt Nam chịu tác động nhiều của lạm phát trên thế giới.

Mặc dù 6 tháng đầu năm 2021, lạm phát ở Việt Nam chỉ vào khoảng 1,47% thấp nhất trong mấy năm gần đây, thế nhưng áp lực lạm phát cho 6 tháng cuối năm vẫn rất lớn do trong thời gian dài chúng ta sử dụng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng, điều này cũng tạo ra áp lực cho lạm phát trong thời gian tới. Mặt khác cũng do thực hiện nới lỏng trong thời gian khá dài nên dư địa hỗ trợ tăng trưởng của chính sách tiền tệ còn rất hạn hẹp khó có thể trông cậy vào chính sách này trong thời gian tới.

Ngoài những khó khăn và thách thức nêu trên, theo PGS còn có khó khăn và thách thức nào tác động đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nữa không?

PGS-TS. Đào Văn Hùng: Hệ thống tài chính, đặc biệt là ngân hàng thương mại, mặc dù thời gian qua có lợi nhuận lớn, nhưng đang phải đối mặt với nợ xấu gia tăng do nhiều lần giãn, hoãn nợ cho các doanh nghiệp, tình hình này nếu còn kéo dài sẽ ảnh hưởng tới tính bền vững của cả hệ thống.

Thêm vào đó, nếu xẩy ra khủng hoảng tài chính trên thế giới, như cảnh báo của nhiều nhà kinh tế, hệ thống tài chính Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, rất khó khăn trong đảm nhiệm vai trò cung cấp vốn cho các doanh nghiệp như trước đây.

Khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn do đứt gẫy chuỗi cung ứng, giá cả nguyên vật liệu tăng, tiếp cận vốn ngày càng khó khăn hơn, và thiếu hụt lao động do công nhân nghỉ việc tránh COVID-19 không quay trở lại làm việc ngay cả khi nhà máy hoạt động trở lại.

Do vậy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, trước mắt chúng ta cần phải tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát dịch COVID-19, bên cạnh đó cũng cần ổn định kinh tế vĩ mô, có giải pháp hỗ trợ để công nhân sớm quay trở lại làm việc, tăng cường kiểm soát hoạt động của thị trường tài chính, tiền tệ đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh hỗ trợ cho nền kinh tế, gia tăng đầu tư công. Đại dịch  cũng là dịp để thúc đẩy cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế theo kế hoạch của Đại hội Đảng 13 đã vạch ra.

Xin cảm ơn PGS-TS! 

Nguồn dẫn: Bảo Anh/ Nhà đầu tư

Link bài gốc: https://nhadautu.vn/gdp-cua-viet-nam-nam-2021-se-dat-duoc-bao-nhieu-la-van-de-chua-the-khang-dinh-duoc-d55382.html

Có thể bạn thích