Khó thực hiện mục tiêu
Năm 2021, TP.HCM chọn chủ đề “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” với mục tiêu tổng quát là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa triển khai có hiệu quả các chương trình hồi phục kinh tế.
Thành phố đặt ra 20 chỉ tiêu để thực hiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, gồm 6 chỉ tiêu về kinh tế đó là GRDP phấn đấu đạt từ 6% trở lên, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; GRDP bình quân đầu người đạt 6.500 USD/người; tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào GRDP đạt trên 42%; chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 0,7%/GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 5,7%/năm.
6 chỉ tiêu về xã hội bao gồm tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo có chứng nhận đạt 85,65%; tạo việc làm mới cho 140.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%; giảm 0,4% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố… và 5 chỉ tiêu về môi trường, 2 chỉ tiêu về cải cách hành chính, 1 chỉ tiêu về trật tự an toàn xã hội.
Tháng 6/2021, HĐND TP.HCM đã thông qua các nghị quyết trong đó có giải quyết chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19. Qua đó góp phần phục hồi sản xuất, ổn định tình hình lao động, việc làm, thực hiện tốt nhất “mục tiêu kép”. Đồng thời về đầu tư công, thành phố sẽ bố trí đủ vốn cho các dự án trọng điểm như dự án xây dựng xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương, nút giao thông An Phú, mở rộng quốc lộ 50, tuyến Metro số 1, Metro số 2, Vành đai 2..
Tuy nhiên, đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có từ dịch COVID-19 lần thứ 4 như hiện nay, mục tiêu GRDP mà chính quyền thành phố đặt ra là 6% có lẽ không khả quan.
Chia sẻ với Nhadautu.vn, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mục tiêu GRDP đạt 6% mà thành phố đề ra trong bối cảnh hiện nay là bất khả thi. “Dĩ nhiên, không có gì là không thể nếu thành phố kiểm soát được dịch bệnh, đưa cuộc sống người dân và “hơi thở” doanh nghiệp trở lại trạng tháng bình thường thì có thể cũng đạt được. Nhưng, so sánh với tình hình thực tế thì việc thành phố đạt mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra trong năm nay là rất khó bởi hậu quả của dịch bệnh là vô cùng lớn”, ông nói.
Trong kịch bản tốt nhất cho thành phố thì GRDP đạt 5%, còn trong kịch bản xấu hơn, con số này sẽ rơi vào khoảng từ 3-4%. Tại thời điểm này, chưa thể đưa ra một con số về dự báo cho chính xác. Nhưng tác động của dịch bệnh không chỉ ở trong tháng này mà còn kéo dài đến cuối năm.
Còn theo kịch bản tăng trưởng kinh tế của TP.HCM cho cả năm do Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM thực hiện, dự báo, đến tháng 8/2021 dịch COVID-19 được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng năm 2021 của TP.HCM sẽ đạt 5,02%, dự báo cả năm 2021 sẽ đạt 4,9%.
Ảnh hưởng lớn đến GDP của cả nước
Là trung tâm kinh tế lớn, TP.HCM không chỉ có vai trò quan trọng đối với khu vực phía Nam mà là của cả nước. Hầu hết ở các ngành thương mại dịch vụ, đầu tư, bất động sản cho đến du lịch… đều chiếm tỷ trọng rất lớn.
Năm 2021, Chính phủ đặt ra mục tiêu GDP là 6,5%. Nhưng xét trong kịch bản khả thi hơn, con số này vào khoảng 5% do tác động từ dịch COVID-19. Theo dự báo của TS. Nguyễn Trí Hiếu trong con số 5% này thì TP.HCM đóng góp ít nhất là một nửa. Chính vì vậy, sự sụt giảm các chỉ tiêu kinh tế của thành phố bởi dịch COVID-19 sẽ ảnh hướng lớn đến GDP năm 2021 của cả nước.
6 tháng đầu năm, các chỉ số kinh tế tại TP.HCM đều cho thấy sự ổn định, GDP của cả nước lên đến 5,64%. Tại thành phố, dịch bệnh mới chỉ xuất hiện tháng 4, 5 bùng phát trong tháng 6 và đến tháng 7 mọi hoạt động về kinh tế đều bị ảnh hưởng. Trong những tháng cuối năm, các chỉ số kinh tế sẽ cho thấy rõ tác động từ dịch bệnh.
Sự tác động của dịch bệnh đến TP.HCM như một đòn đánh chí mạng vào nền kinh tế. Vấn đề ở đây là trong những tháng cuối năm phải kiểm soát được tình hình dịch, từ đó sẽ giảm bớt thiệt hại cho TP.HCM, các chỉ số được nâng lên góp phần vào chỉ số GDP chung của cả nước.
TP.HCM đang thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nhưng trong thời điểm này, có lẽ nên đặt mục tiêu chống dịch lên hàng đầu. Bởi dịch bệnh còn tiếp diễn thì phát triển kinh tế cũng rất khó khăn.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc nên làm ngay lúc này đó là tiêm chủng cho người dân. Việc tiếp theo nữa chính là vấn đề về cách ly người bị bệnh, dĩ nhiên là rất cần thiết nhưng cũng có những bất cập. Thời điểm đầu, số bệnh nhân còn ít việc cách ly tập trung thuận lợi nhưng hiện nay con số này đã lên hàng trăm nghìn người, thậm chí tiên lượng hàng triệu người việc cách ly không còn hiệu quả mà có những người bị lây nhiễm chéo. Đây là vấn đề nan giải bởi cơ sở vật chất của chúng ta chưa đáp ứng được.
Một việc nữa đó là tận dụng lực lượng quân đội, ngoài việc lập nên bệnh viện dã chiến, vận chuyển thuốc… thì cần quân đội vào cuộc mạnh mẽ hơn để nhanh chóng đưa thành phố về trạng thái bình thường mới.
“Điều quan trọng để TP.HCM kiểm soát được dịch bệnh và lập lại trật tự kinh tế là phải miễn dịch cộng đồng cụ thể là tiêm vaccine cho người dân ít nhất từ 70-80% bởi hiện nay, tỷ lệ được tiêm chủng tại thành phố đang rất là thấp. Có như vậy thì nền kinh tế của thành phố mới phát triển và cuộc sống người dân trở về với trạng thái bình thường”, TS. Hiếu phân tích.
Đồng quan điểm, PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM (đại biểu Quốc hội khóa XV đoàn TP.HCM) nhận định, để đuy trì tăng trưởng kinh tế, bên cạnh việc kiểm soát dịch COVID-19 càng sớm càng tốt, thành phố cần tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn như Metro số 1, Metro số 2, đường vành đai 2, vành đai 3, cầu Thủ Thiêm 2…
Đồng thời, trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, TP.HCM cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi có vaccine COVID-19 trong cộng đồng, TP.HCM sẽ có bước đệm vững chắc trong chống dịch, tạo tâm lý ổn định cho người dân và doanh nghiệp. Từ đó, TP.HCM từng bước hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra và chuẩn bị kế hoạch dài hạn cho việc phục hồi sau dịch.
Đánh giá về những kết quả kinh tế 6 tháng đầu năm, ông Trần Hoàng Ngân nhận trong bối cảnh dịch bùng phát trở lại lần thứ 4, kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, tương đương khoảng 4 triệu tỷ đồng và thu ngân sách đạt 775.000 tỷ đồng, gần 60% dự toán cả năm là con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, ông nhận định cũng phải nhìn nhận kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao là so sánh với cùng kỳ năm 2020, năm có mức tăng thấp nhất trong 35 năm qua.
“Thời điểm dịch bệnh, chúng ta cũng thấy được sự trỗi dậy của thương mại điện tử, tầm quan trọng của kinh tế số, chính quyền điện tử. Thậm chí trong điều hành, quản trị doanh nghiệp, các lãnh đạo doanh nghiệp đã chững lại để nhìn nhận thực trạng doanh nghiệp cả về hạ tầng, nguồn nhân lực và chiến lược kinh doanh”, ông Ngân nói.
Cũng theo ông, động lực tăng trưởng của Việt Nam hiện chủ yếu vẫn đến từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo, nhất là nông, lâm, thủy sản, linh kiện điện tử; gia tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại khi tận dụng các hiệp định thương mại đã ký. Đây đều là những ngành sử dụng nhiều lao động, do đó việc tiêm chủng vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng là điểm mấu chốt.
PGS-TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng, Việt Nam cũng cần một chính sách điều hành linh hoạt, thích ứng nhanh với bối cảnh. Và với tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 là 5,64%, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% như kế hoạch, tăng trưởng những tháng cuối năm phải đạt trên 7%.
Nguồn dẫn: Nguyên Vũ/ Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/covid-19-bung-phat-o-tphcm-anh-huong-the-nao-toi-muc-tieu-tang-truong–bai-2-bai-toan-kho-cho-muc-tieu-gdp-d55186.html