Home » TP.HCM đề xuất đưa bất động sản vào diện rà soát pháp lý để phát triển kinh tế sau dịch COVID-19

TP.HCM đề xuất đưa bất động sản vào diện rà soát pháp lý để phát triển kinh tế sau dịch COVID-19

bởi Minh Tu
TP.HCM đã đề xuất rà soát các quy định liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng; xác định giá thuê đất; đấu giá đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thu hồi đất;… nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần phát triển kinh tế – xã hội sau đại dịch COVID-19. 

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp về việc đề xuất nội dung dự kiến, rà soát, nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước tác động mạnh mẽ, dài hạn của dịch bệnh COVID-19.

Trong đó, UBND thành phố đã đề xuất 12 chủ đề cần kiến nghị rà soát pháp luật, liên quan đến 6 lĩnh vực, gồm: Giao dịch điện tử; giáo dục; đất đai; nhập cảnh, cư trú, lao động, hoạt động, xuất cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam; chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, người lao động; đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Cụ thể, đối với lĩnh vực giao dịch điện tử, theo UBND TP.HCM, ứng dụng công nghệ thông tin vào khu công nghiệp càng được quan tâm trong thời gian dịch COVID-19, nó tạo hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ và giao dịch thương mại điện tử; tuy nhiên, quy định về thực hiện giao dịch điện tử đã có nhưng chưa đủ để các cơ quan tổ chức thực hiện. Do đó, UBND TP.HCM đề xuất rà soát pháp luật về giao dịch điện tử trong các lĩnh vực thuộc khu công nghiệp.

Đồng thời, UBND TP.HCM cũng đề xuất rà soát pháp luật liên quan đến hoạt động thương mại điện tử vì dịch COVID-19 đã làm thay đổi xu hướng mua sắm của người dân, nhưng quy định pháp luật về thương mại điện tử chưa đầy đủ, chặt chẽ, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển của hoạt động này cũng như gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với lĩnh vực giáo dục, UBND TP.HCM cho biết, trong năm học 2020 – 2021, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nên học sinh, sinh viên tạm ngừng đến trường, được chuyển qua hình thức học trực tuyến. Việc thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập được thực hiện theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021, Nghị định này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm học 2020 – 2021.

“Do vậy, cần rà soát lại quy định này để kiến nghị Chính phủ ban hành quy định mới phù hợp với tình hình học sinh, sinh viên học tập bằng hình thức học trực tuyến và cần có chính sách hồ trợ, miễn giảm cho học sinh, sinh viên trong tình hình đại dịch COVID-19 còn có thể kéo dài, ảnh hưởng lớn đến việc ổn định kinh tế – xã hội”, UBND TP.HCM đề xuất.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng đề xuất rà soát các quy định pháp luật tạo điều kiện cho mô hình giáo dục trực tuyến, giáo dục từ xa phát triển song song mô hình giáo dục truyền thống, trực tiếp do sau khi đại dịch COVID 19 xuất hiện, mô hình giáo dục trực tuyến đã được các trường học áp dụng, thực hiện, tuy nhiên, quy định về phương pháp, cách thức giảng dạy trực tuyến chưa được nghiên cứu để đưa ra hình thức giảng dạy hiệu quả, thống nhất. Từ đó, có nhiều cách thức, phương pháp giảng dạy khác nhau, dẫn đến việc tiếp thu của học sinh và kết quả học tập theo mô hình giáo dục trực tuyến còn nhiều hạn chế, bất cập chưa đảm bảo chất lượng.

Với lĩnh vực đất đai, TP.HCM đề xuất rà soát các quy định liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng; xác định giá thuê đất của nhà nước; giao thuê đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng; đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo UBND TP.HCM, đại dịch COVID-19 đang tác động đến dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới, trong đó có xu hướng chuyển dịch đầu tư, thay đổi chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Do vậy, cần rà soát các quy định pháp luật liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc về đất đai để nhanh chóng chuẩn bị quỹ đất nhằm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển vào Việt Nam. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập của nhà nước đang sử dụng đất theo hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.

“Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, do đó, cần kết hợp công tác này với nội dung đề xuất nên trên”, UBND TP.HCM cho hay.

TP.HCM cũng đề xuất rà soát quy định về đất đai liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thu hồi đất nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quy định pháp luật đất đai hiện hành trong việc thực hiện quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thu hồi đất, góp phần ổn định chính trị, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn sau đại dịch COVID-19.

Về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, người lao động, UBND TP.HCM đề xuất rà soát các chính sách hỗ trợ phát triển kinh doanh, sản xuất, thương mại dịch vụ và chăm lo đời sống, việc làm cho người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, rà soát các quy định về thuế, phí, lệ phí theo hướng điều chỉnh giảm; cũng như các quy định thủ tục hành chính để giảm các thủ tục, thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các chính sách miễn giảm trong công tác thu quỹ phòng, chống thiên tai.

UBND TP.HCM cho biết, đại dịch COVID-19 tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại, lao động, việc làm và giảm thu nhập của người lao động, nhất là khi tình hình dịch bệnh có khả năng kéo dài.

Ở góc độ kinh tế, UBND TP.HCM cho rằng, đại dịch COVID-19 diễn ra đã tác động mạnh đến tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến nhu câu tuyên dụng lao động, tình trạng người lao động mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, đặc biệt ở các lĩnh vực: Dịch vụ du lịch, lưu trú,… Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có chuyên gia người nước ngoài và người lao động nước ngoài chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19 khi nguồn cung lao động bị thiếu; chi phí sử dụng lao động cũng cao hơn khi các doanh nghiệp phải đầu tư thêm khẩu trang, nước sát khuẩn, thực hiện các biện pháp an toàn trong lao động để tránh lây nhiễm vi-rút.

Ở góc độ xã hội, đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến đời sống hộ dân và làm giảm thu nhập tạm thời của hộ gia đình và người lao động. Những hộ gia đình thuộc nhóm dân tộc thiểu số, hộ gia đình có lao động phi chính thức và gia đình những người nhập cư chịu tác động lớn từ dịch bệnh.

“Do vậy, cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động, doanh nghiệp trong tình hình đại dịch COVID-19 có thể kéo dài”, UBND TP.HCM nêu rõ.

Về nhập cảnh, cư trú, lao động, hoạt động, xuất cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam, UBND TP.HCM cho rằng, cần rà soát các quy định liên quan để quản lý người nước ngoài được chặt chẽ ngay từ khi nhập cảnh, nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng cư trú, lao động, hoạt động trái pháp luật của người nước ngoài tại Việt Nam.

Liên quan đến lĩnh vực đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, theo UBND TP.HCM, thời gian qua, việc tổ chức, vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh… gặp không ít vướng mắc khó khăn, bất cập trong công tác quản lý nhà nước. Do vậy, UBND TPHCM đề xuất cần rà soát lại quy định pháp luật liên quan đến việc đóng góp tự nguyện để hoàn thiện các quy định pháp luật trong các hoạt động này.

Nguồn dẫn: Lý Tuấn/ Nhà đầu tư

Link bài gốc: https://nhadautu.vn/tphcm-de-xuat-dua-bat-dong-san-vao-dien-ra-soat-phap-ly-de-phat-trien-kinh-te-sau-dich-covid-19-d54899.html

Có thể bạn thích

Để lại bình luận