Home » Dự báo tăng trưởng GDP thấp nhất 5,1%

Dự báo tăng trưởng GDP thấp nhất 5,1%

bởi Minh Tu

Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 lần 4, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả BIDV dự báo rằng, trong kịch bản xấu nhất tăng trưởng GDP sẽ chỉ đạt 5,1%, cùng với đó nợ xấu nền kinh tế có thể lên tới 2,5% vào cuối năm 2021.

Nhận định về ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tới nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, có nhiều tác động tiêu cực đáng lưu ý.

Đầu tiên là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng với nhiều ngành sản xuất đang hiện hữu. Mặc dù một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang đã dần được kiểm soát nhưng các tâm dịch khác như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Đồng Tháp, Tiền Giang… đều là các trung tâm sản xuất công nghiệp. Trong đó TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, đóng góp khoảng 22% GDP cả nước, là đầu tàu kinh tế (nhất là thương mại, dich vụ, du lịch, logistics…), có tính lan tỏa lớn tới các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Điều này đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động xuất khẩu khi kim ngạch xuất khẩu 6 tháng tăng 29% trong khi nhập khẩu tăng 36,3%, khiến nhập siêu quay trở lại.

Những nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là dịch vụ, du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải – kho bãi, y tế, giáo dục – đào tạo.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 3,96%, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020  (0,48%) nhưng lại thấp hơn nhiều so với mức tăng bình quân 6,42% giai đoạn 2011-2019. Trong đó, tổng mức bán lẻ chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng trưởng âm 0,8% cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng trên 10% của những năm trước dịch). Đáng chú ý, riêng tháng 6/2021, tổng mức bán lẻ giảm 2% so với tháng trước và giảm 6,6% so với cùng kỳ do nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, giải trí, lữ hành… phải đóng cửa.

Vận tải – kho bãi chậm tiến độ, chi phí tăng; y tế căng mình chống dịch trong khi dịch vụ y tế khác bị hạn chế (dù giá trị gia tăng có tăng) và hoạt động giáo dục – đào tạo phải thay đổi phương thức đào tạo, thi cử, nhiều chương trình giãn, hoãn (dù giá trị gia tăng có tăng nhưng lượng doanh nghiệp phải đóng cửa nhiều)…

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6%; doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng ước giảm 51,8%; giá trị gia tăng của lĩnh vực lưu trú – ăn uống giảm 5% so với cùng kỳ năm trước…

Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trong 6 tháng đầu năm 2021, giải ngân đầu tư công chỉ tăng 10,2% so với cùng kỳ, thấp hơn các mức tăng 16,3% và 14,2% của 4 tháng và 5 tháng đầu năm cũng như mức tăng 20,5% của cùng kỳ năm 2020.

Dịch bệnh cũng khiến trong 6 tháng đầu năm có khoảng 12,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng, với 66,4% bị giảm thu nhập. Do đó, rất cần có sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ cũng như các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù hoạt động kinh doanh của nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục khả quan nhưng nợ xấu đang gia tăng (dự báo tăng khoảng 8-10% so với cuối năm 2020). Kết quả kinh doanh cuối năm sẽ khác bởi các TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro với lộ trình 3 năm (2021-2023) cho các khoản nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 03 của NHNN (hiệu lực từ 17/5/2021).

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ sẽ còn tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, người dân (là khách hàng của TCTD), dẫn đến nợ xấu tiếp tục tăng trong thời gian tới, có thể lên đến 2,5% ở thời điểm cuối năm 2021.

Dự báo mức tăng trưởng thấp nhất 5,1%

Căn cứ vào những đánh giá tác động của đợt dịch này, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra 3 kịch bản GDP trong năm 2021.

Với kịch bản cơ sở, Việt Nam có thể kiểm soát dịch bệnh cơ bản trong tháng 8/2021, tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 2/2022; kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt từ 5,8-6%.

Với kịch bản tích cực, các nước trên thế giới cơ bản triển khai thành công việc tiêm vaccine vào quý 4/2021 giúp giảm dần tình trạng lây nhiễm, khôi phục đa số hoạt động kinh tế – xã hội tại các nước. Việt Nam dịch bệnh cơ bản được kiểm soát ngay trong tháng 7/2021, tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 1/2022, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 6,3-6,5%.

Với kịch bản tiêu cực, tới cuối năm 2021 dịch bệnh mới cơ bản được kiểm soát ở khối các nước phát triển, vaccine chậm đưa vào tiêm chủng tại các quốc gia đang phát triển do hạn hẹp về nguồn cung, quá trình phục hồi khó khăn, hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu chỉ phục hồi nhẹ, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 5,1-5,3%.

Bốn khuyến nghị mà TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả BIDV đưa ra cho Chính phủ thời gian tới:

Một là, nhiệm vụ ưu tiên số 1, quan trọng hàng đầu hiện nay vẫn phải là tiếp tục phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả cùng với việc đẩy nhanh tiến trình vaccine.

Hai là, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã ban hành.

Ba là, cập nhật kịch bản phục hồi, phát triển KT-XH trong bối cảnh mới đến hết năm 2021 và giai đoạn 2022-2025; trong đó, cần kiên định mục tiêu kép, tìm kiếm các động lực tăng trưởng thay thế, bổ sung và chính sách phục hồi xanh.

Bốn là, kiện định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, không chủ quan với lạm phát (nhưng không thái quá); tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và giá cả; kiểm soát rủi ro bong bóng tài sản, tài chính; và duy trì tài khóa ổn định (lưu ý kiểm soát rủi ro nghĩa vụ trả nợ đang gia tăng; đa dạng hóa, nuôi dưỡng nguồn thu).

Nguồn dẫn: Đình Vũ/ Nhà đầu tư

Link bài gốc: https://nhadautu.vn/du-bao-tang-truong-gdp-thap-nhat-51-d55106.html

Có thể bạn thích

Để lại bình luận