Home » Quy hoạch đến năm 2030: Giảm đất lúa, tăng đất khu công nghiệp và quốc phòng, an ninh

Quy hoạch đến năm 2030: Giảm đất lúa, tăng đất khu công nghiệp và quốc phòng, an ninh

bởi Minh Tu

Theo tờ trình của Chính phủ, đến năm 2030 diện tích đất lúa giảm; đất khu công nghiệp, đất giao thông, đất quốc phòng và an ninh… đều tăng.

Chiều 7/10, Ủy ban Kinh tế họp phiên toàn thể thứ ba, thẩm tra về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025).

Theo tờ trình nội dung này của Chính phủ, đến năm 2030, diện tích đất lúa giảm, đất khu công nghiệp, đất giao thông, đất quốc phòng và an ninh… đều tăng.

Giảm 348.770 ha đất trồng lúa 

Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp là 27,73 triệu ha  (giảm 251.220 ha so với năm 2020). Riêng diện tích đất trồng lúa là 3,57 triệu ha, giảm 348.770 ha.

Đất phi nông nghiệp đến năm 2030 được xác định là 4,90 triệu ha (tăng 965.370 ha so với năm 2020).

Diện tích đất khu công nghiệp đến năm 2030 là 210.930 ha, tăng 120.100 ha so với năm 2020, tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm, các trục kinh tế ven biển, gắn kết với hạ tầng giao thông.

Đến năm 2030, cả nước có 45 khu kinh tế với diện tích là 1,65 triệu ha, tăng 15.400 ha so với năm 2020.

Quy hoạch sử dụng đất giao thông đến năm 2030 là 921.880 ha (không bao gồm diện tích đất hành lang giao thông), tăng 199.550 ha so với năm 2020.

Hiện trạng đất quốc phòng đến 31/12/2020 là 243.160 ha. Với quan điểm ưu tiên xây dựng nền quốc phòng toàn dân và căn cứ nhu cầu sử dụng đất để phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng đến năm 2030 là 289.070 ha, tăng 45.910 ha so với năm 2020.

Hiện trạng đất an ninh của cả nước được thống kê, kiểm kê đến 31/12/2020 là 52.710 ha. Diện tích đất do Bộ Công an hiện đang quản lý, sử dụng là 69.260 ha, bao gồm đất an ninh và các loại đất khác. Quy hoạch sử dụng đất an ninh đến năm 2030 là 72.330 ha, tăng 19.620 ha so với năm 2020 đảm bảo bố trí đủ quỹ đất đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của Bộ Công an và các địa phương làm trụ sở, thao trường, trường bắn… phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc gia.

Về đất đô thị, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và môi trường Lê Minh Ngân cho biết, hiện trạng đất đô thị đến 31/12/2020 là 2,03 triệu ha. Để từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo từng giai đoạn với mô hình mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững; phát triển đô thị cần lấy định hướng phát triển giao thông làm cơ sở cho phát triển, quy hoạch đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development) nhằm phát triển một cách hài hòa và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Đến năm 2030 diện tích đất đô thị của cả nước là 2,95 triệu ha, tăng 925.780 ha, đáp ứng yêu cầu tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%.

Trong kỳ quy hoạch 2021 – 2030, sẽ tiếp tục khai thác khoảng 714.150 ha đất chưa sử dụng gồm: đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất đồi núi chưa giao cho các đối tượng sử dụng đưa vào sử dụng cho các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp. Đến năm 2030, quỹ đất chưa sử dụng của cả nước còn lại 505.600 ha.

Chính phủ rất sốt ruột, mong đại biểu ủng hộ 

Nhận xét hồ sơ chưa đề cập việc rất quan trọng là lấy ý kiến nhân dân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh quy hoạch liên quan mật thiết đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Trên thực tế lấy ý kiến nhân dân nhiều khi còn hình thức, chủ yếu đăng tải trên cổng thông tin của Bộ, mà hồ sơ phức tạp, bản đồ thì nhỏ xíu nhân dân khó mà xem được, ông Cường phân tích.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, Luật Quy hoạch có nói phải lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch sử dụng đất dưới các hình thức phù hợp như phát phiếu điều tra xã hội học, trưng bày, niêm yết công khai… vậy quy hoạch lần này đã lấy ý kiến thực chất chưa, để tránh khiếu nại tố cáo, tranh chấp đất đai sau này, ông Cường đặt vấn đề.

Một vấn đề khác cũng khiến đại biểu Cường và một số vị khác băn khoăn. Đó là điều 58 Luật Đất đai hiện hành quy định, đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên.

Tại tờ trình, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép UBND cấp tỉnh thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án mà không phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo quy định nói trên và bỏ quy định trên tại điều 58.

Tuy nhiên, cả Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên và Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đều cho rằng, nếu bỏ quy định của một đạo luật thì phải sửa luật theo một quy trình chặt chẽ. Mặt khác, Luật Đất đai hiện hành đang chuẩn bị được sửa đổi, nên cần có sự nghiên cứu toàn diện để sửa đổi đồng bộ.

Chính phủ rất sốt ruột muốn phân cấp, mong các đại biểu ủng hộ cho quan điểm của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà hồi âm ý kiến đại biểu.

Chủ trương phân cấp thì đại biểu đều ủng hộ, nhưng về kỹ thuật lập pháp thì cần phải tính toán, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu cuối phiên thảo luận.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị làm rõ một số loại đất phải quy định cứng, không thể phân cấp và phải rõ vị trí để  sau này đại biểu dân cử có thể giám sát.

Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tuần sau, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025) sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ hai (khai mạc ngày 20/10 tới).

 

Nguồn dẫn: Nguyễn Lê/ Báo đầu tư

Link bài gốc: https://baodautu.vn/batdongsan/quy-hoach-den-nam-2030-giam-dat-lua-tang-dat-khu-cong-nghiep-va-quoc-phong-an-ninh-d153105.html

Có thể bạn thích