Giới chuyên gia cho rằng đây là thời điểm thị trường đang mất thanh khoản, do đó trừ khi có nhu cầu ở thật, người dân chỉ nên đầu tư dài hạn.
Ông Lê Quốc Kiên, chuyên gia tư vấn bất động sản, gọi thời điểm hiện tại là giai đoạn “thủy triều rút” của thị trường, khi làn sóng đầu tư đã đi qua, thanh khoản về mức thấp.
Còn ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Giám đốc, Trưởng bộ phận tiếp thị nhà ở tại CBRE Việt Nam – nhìn nhận nguồn cung mới hiện chỉ tập trung vào phân khúc cao cấp và hạng sang, trong khi nhịp độ giao dịch ở thị trường thứ cấp không thực sự cao như trước. Do đó, xu hướng đầu tư lướt sóng và ngắn hạn không còn phù hợp.
Đầu tư an toàn hay làm giàu nhanh?
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, đây là thời điểm lý tưởng để mua nhà để ở vì giá cả sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn những sản phẩm mới chào bán đang được neo ở mức giá cao, người dân nên tìm đến thị trường thứ cấp với nhiều lựa chọn hơn.
Còn đối với nhà đầu tư, ông cho rằng tùy lợi thế tài chính sẽ có phương án phù hợp. Nhóm khách hàng có tài chính cao, có thể đầu tư dài hạn nên nghĩ đến bất động sản ở khu vực trung tâm TP.HCM và sản phẩm cao cấp, hạng sang.
“Phân khúc biệt thự, nhà phố, shophouse đang có nguồn cung rất ít, mức giá sơ cấp tăng rất nhanh, khoảng 45-75%/năm và thời gian tới còn có thể tăng cao hơn do ngày càng nhiều chủ đầu tư muốn phát triển sản phẩm siêu cao cấp. Còn các căn hộ ở khu vực trung tâm tuy tốc độ tăng giá không cao bằng, trung bình chỉ 4-7%/năm nhưng có tính an toàn và đảm bảo cao”, ông Kiệt phân tích.
Trong khi đó, vùng ven TP.HCM có nhiều sản phẩm để đầu tư tầm trung hoặc mua để ở, còn các tỉnh lân cận như Đồng Nai có tiềm năng tăng giá cao nhờ sân bay quốc tế Long Thành đang được thi công, hay Bình Dương là thị trường thay thế cho phân khúc tầm trung, kể cả căn hộ hay biệt thự, nhà phố, shophouse nhờ hạ tầng đô thị và kết nối tốt.
Chung quan điểm này, ông Lê Quốc Kiên nhấn mạnh phương án đầu tư an toàn sẽ “lên ngôi” từ nay đến hết năm 2023. Lựa chọn này cần các sản phẩm có tính thanh khoản tốt, tức có pháp lý rõ ràng và có thể sử dụng được ngay như để ở hay khai thác kinh doanh. Những bất động sản này phải được đặt tại nơi có mật độ dân cư tương đối ổn và tiện ích cơ bản tối thiểu như đường xá thông thương, chợ, trường học, trung tâm y tế, khu vui chơi giải trí…
“Đặc biệt, sản phẩm được ngân hàng sẵn sàng cho vay trên 70% giá thị trường. Thông thường ngân hàng định giá bằng 80-90% giá thị trường và cho vay 70-90% định giá này, như vậy chẳng hạn tài sản 6 tỷ đồng được định giá 5,2 tỷ đồng và cho vay trên 4,2 tỷ đồng là tài sản tốt”, ông Kiên nói thêm.
Tuy nhiên, ông cho rằng những nhà đầu tư có nguồn tiền nhàn rỗi và dòng tiền mạnh, không bị áp lực đòn bẩy ngân hàng vẫn có thể cân nhắc phương án làm giàu nhanh, nhân x lần tài sản trong trung và dài hạn bằng các bất động sản pháp lý chưa hoàn thiện (hình thành tương lai) hay đất lớn ở tỉnh, vùng ven…
“Đương nhiên lựa chọn này sẽ đi kèm với các rủi ro như dự án trục trặc không thể về đích, thanh khoản kém chôn vốn lâu, thay đổi chính sách quản lý Nhà nước hoặc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Do đó phương án chỉ phù hợp với những người trích 20-30% tài sản nhàn rỗi, chấp nhận không đụng tới khoản tiền này trong thời gian ít nhất 3-5 năm”, ông chia sẻ.
Con đường đầu tư bền vững
Chứng kiến nhiều người quen khoe mua đất tỉnh giá rẻ trong khi cao hơn nhiều so với giá giao dịch thực tế ở địa phương, hay bị lỗ nặng do kỳ vọng sinh lời không phù hợp, ông Kiệt nhấn mạnh điều quan trọng nhất là xác định mục tiêu, thời gian và kỳ vọng khi đầu tư, từ đó tìm hiểu rõ thị trường và sản phẩm, tránh đầu tư theo phong trào.
Với tình trạng thanh khoản và các biện pháp quản lý của cơ quan Nhà nước hiện nay, ông cũng khuyến cáo nhà đầu tư hạn chế dùng đòn bẩy tài chính, chọn sản phẩm phù hợp với năng lực của mình.
Cụ thể hơn, ông Lê Quốc Kiên cho rằng đầu tư bất động sản bền vững sẽ cần được thực hiện song song với sản xuất kinh doanh hoặc làm thuê thật tốt. Khi đó, nhà đầu tư dùng thặng dư từ lợi nhuận kinh doanh hoặc thu nhập không dùng đến để bỏ vào bất động sản, nhằm đảm bảo khoản đầu tư được ổn định dù thị trường nóng lên hay đóng băng.
“Ba năm điên loạn vừa qua xuất hiện 3 trường hợp nguy hiểm. Một là, nhà đầu tư mạo hiểm vay dư để dùng tiền vay đóng ngược lại cho ngân hàng. Hai là, thu nhập sụt giảm ngoài dự tính khiến nhà đầu tư không đủ dòng tiền trả ngân hàng hàng tháng.
Ba là, nhà đầu tư dùng vốn sản xuất kinh doanh bỏ vào bất động sản – kênh an toàn trong đại dịch, giờ đây cần vốn để tập trung sản xuất kinh doanh thì thị trường mất thanh khoản, dẫn đến âm vốn sau thời gian ‘lãi ảo trên giấy'”, ông nêu rõ.
Do đó, các chuyên gia khẳng định dù lựa chọn phương án đầu tư nào, đây vẫn là thời điểm chỉ dành cho những nhà đầu tư có nền tảng tài chính bền vững, có khả năng kiểm soát đòn bẩy và sở hữu những tài sản có thanh khoản tốt.
Nguồn dẫn: Lan Anh/ Zingnews
Link bài gốc: https://zingnews.vn/nen-dau-tu-vao-phan-khuc-bat-dong-san-nao-o-tphcm-post1317292.html