GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, rất khó để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay. Tuy nhiên, chúng ta cũng chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Ở thời điểm hiện tại, quan trọng nhất là đẩy nhanh tiêm vaccine tạo miễn dịch cộng đồng và tìm giải pháp để đạt mục tiêu đề ra.
Sáng 22/7, báo cáo trước Quốc hội khóa XV về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và giải pháp 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết: “Chính phủ tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu kép trong 6 tháng cuối năm vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.
Có thể thấy, Chỉnh phủ mới đặt quyết tâm rất cao trong việc duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 đã được Quốc hội đã đề ra là 6% và mục tiêu Chính phủ hướng tới là 6,5%. Tuy nhiên, mục tiêu này được cho là đầy thách thức ở thời điểm hiện tại khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, ảnh hưởng chưa được lường trước, các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh đều là những tỉnh thành có các Khu Công nghiệp lớn. Đặc biệt, TP.HCM – đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước đang phải oằn mình chống dịch.
Nhiều tổ chức điều chỉnh dự báo GDP của Việt Nam
Một vài tổ chức trong nước và quốc tế điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ngay khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 lan rộng tới TP.HCM và một số tỉnh thành phía Nam. Standard Chartered và ADB đã điều chỉnh giảm lần lượt 0,2 và 0,9 điểm phần trăm dự báo so với trước đó.
Cụ thể, theo Standard Chartered đánh giá, tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay sẽ đạt 6,5%, giảm 0,2% so với mức dự báo 6,7% được đưa ra trước đó. ADB cũng tỏ ra thận trọng khi hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống còn 5,8% từ mức 6,7% đưa ra hồi tháng 4. Nguyên nhân chủ yếu được 2 tổ chức này đưa ra là việc triển khai tiêm chủng tương đối chậm và việc áp dụng các biện pháp giãn cách kéo dài ở các khu vực tăng trưởng lớn nhất nước gây ảnh hưởng lưu thông thương mại, hạn chế các hoạt động kinh tế.
Trong nước, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đều đưa ra những kịch bản tăng trưởng kinh tế kém lạc quan hơn nhiều so với trước đây. Như CIEM đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam là 5,9% và 6,2% – trên cơ sở dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 10 và tháng 8/2021. CIEM cũng nhấn mạnh rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay là đầy thách thức.
Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV thì đặt ra 3 kịch bản, với kịch bản tiêu cực thì GDP chỉ tăng khoảng 5,1% nhưng tích cực thì có thể đạt mục tiêu Chính phủ đề ra là 6,5%. Nhưng, nhóm tác giả BIDV đặt giả thiết GDP đạt tăng trưởng tích cực trên nền tảng Việt Nam cơ bản kiểm soát dịch bệnh ngay trong tháng 7/2021 và tiêm vaccine được đẩy nhanh, đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 1/2022.
Tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng bảo vệ “đầu tàu” kinh tế TP.HCM
Có thể nói, kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021 phụ thuộc rất lớn vào khả năng khống chế dịch thành công của Chính phủ ở thời điểm nào và khi nào Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, Chính phủ cần có “võ” mới – cập nhật kịch bản tăng trưởng mới để hồi phục kinh tế trong giai đoạn mới.
Trao đổi với Nhadautu.vn GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, mức tăng trưởng 6,5% mà Chính phủ đặt ra trước đây đến thời điểm hiện tại là rất khó thực hiện được. Tuy nhiên, ông đồng ý với quan điểm “chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh hạ mục tiêu tăng trưởng năm 2021 mà nên nỗ lực tìm giải pháp để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Đánh giá về tác động của đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lên TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, ông Nguyễn Mại cho rằng, đợt dịch này sẽ có tác động rất lớn tới GRDP của TP.HCM và vùng nếu không có những giải pháp đúng đắn, kéo theo đó là những hệ luỵ về cả xã hội.
Chủ tịch VAFIE phân tích, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 trước tiên ở 2 trọng điểm khu công nghiệp (KCN) phía Bắc là Bắc Ninh, Bắc Giang. Khi ấy, Bắc Giang đã phải đóng cửa 4 KCN, cho hàng chục nghìn công nhân chuyển về địa phương. Đến thời điểm hiện tại, hậu quả vẫn chưa thể giải quyết, dẫn tới tình trạng Bắc Giang thiếu 100.000 lao động mà chưa thể tìm lại đủ.
“Đó là chỉ với Bắc Giang, nếu TP.HCM cũng áp dụng như Bắc Giang, đóng cửa hàng loạt các KCN, rất có thể số lượng lao động phải tạm nghỉ việc về quê và không quay trở lại sẽ lên tới hàng triệu lao động”, GS. Nguyễn Mại lo ngại và cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế TP.HCM và một số tỉnh Đông Nam Bộ sau khi dập được dịch, mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ chịu tác động lớn.
Từ đó, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng ở thời điểm hiện tại rất cần sự sâu sát của chính quyền với thực tế địa phương. Ông khuyến nghị TP.HCM và Chính phủ cần đẩy mạnh tiêm vaccine, để đạt miễn dịch cộng đồng khi đó mới giữ vững được thành trì phát triển kinh tế, duy trì tăng trưởng.
“Đẩy nhanh tiêm vaccine, đặc biệt với đội ngũ vận tải vừa giúp thông thương, giải bài toán ngăn sông cấm chợ, giảm thiểu tác động xấu tới tăng trưởng. Tôi tin tưởng rằng, không có lý do gì chúng ta thành công giai đoạn đầu mà bây giờ lại không làm được. Nhất là ở thời điểm hiện tại khi cả nước đang hướng về TP.HCM với cả sức người và sức của”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Tăng trưởng GDP 6% khả thi hơn?
Chiều 22/7, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.
Nhiều đại biểu Quốc hội tại tổ số 7 (gồm các đoàn: Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Yên Bái, Gia Lai) cho rằng mức tăng GDP 6% sẽ khả thi hơn. “Với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, kịch bản tăng trưởng của cả năm 2021 phấn đấu 6% là hợp lý. Chính phủ đưa hai kịch bản 6% và 6,5% nhưng sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp đang giảm trước đại dịch phức tạp, vì thế cũng khó hy vọng 6,5%”, đại biểu Trần Văn Tiến ( đoàn Vĩnh Phúc) nhận định.
Nói về mục tiêu tăng trưởng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phân tích tăng 6% hay 6,5% hoàn toàn tuỳ thuộc vào kết quả phòng chống dịch COVID- 19. Nếu không ổn định được sản xuất kinh doanh, cả hai chỉ tiêu đó đều là thách thức. “Nhưng khả năng vẫn đạt được chỉ tiêu đó, Chính phủ vẫn xin giữ và phấn đấu đạt mức cao nhất”, ông lý giải.
Tuy nhiên, vị Bộ trưởng cũng thừa nhận áp lực những tháng cuối năm là giá cả hàng hoá trên thế giới có xu hướng tăng cao. Chính phủ hết sức thận trọng trong điều hành để giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
“Chính phủ đang hết sức nỗ lực, đã có nhiều cách làm hay không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Dịch bệnh đang diến biến phức tạp nhưng sẽ sớm vượt qua. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được Chính phủ giao xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế. Hiện nay, nhiều chính sách ngắn hạn chưa căn cơ cần hoàn chỉnh bài bản hơn để phục hồi sau COVID-19. Chính phủ đang triển khai nghiên cứu chương trình này, hy vọng tháng 10 năm nay sẽ xong và báo cáo Quốc hội vào kỳ họp sau”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Đồng quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định Chính phủ chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tại thời điểm này là hợp lý, bởi chưa biết dịch bệnh sẽ diễn biến thế nào trong 6 tháng cuối năm và mức độ tác động tới nền kinh tế ra sao để đưa ra con số điều chỉnh phù hợp.
“Chính phủ cần cập nhật kịch bản phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh mới đến hết năm 2021 và giai đoạn 2022-2025. Trong đó, cần kiên định mục tiêu kép, tìm kiếm các động lực tăng trưởng thay thế, bổ sung và chính sách phục hồi xanh. Muốn làm được những việc này, các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng cần nhất quán ưu tiên triển khai”, TS. Lực nói.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng cho rằng Chính phủ cần kiên định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, không chủ quan với lạm phát; tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và giá cả; kiểm soát rủi ro bong bóng tài sản, tài chính.
Đồng thời, Chính phủ phải duy trì tài khóa ổn định trên cơ sở lưu ý kiểm soát rủi ro nghĩa vụ trả nợ đang gia tăng, phải có chính sách đa dạng hóa, nuôi dưỡng nguồn thu cùng với tái cơ cấu chi ngân sách hiệu quả hơn nữa.
Nguồn dẫn: Nguyễn Thoan – Thắng Giang/ Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/covid-19-bung-phat-o-tphcm-anh-huong-the-nao-toi-muc-tieu-tang-truong-bai-cuoi-kien-dinh-muc-tieu-nhung-can-vo-moi-d55324.html