Bất động sản luôn là ngành có tiềm năng, nhưng cũng gặp không ít chông gai và khó khăn. Trong sự “thay da, đổi thịt” của ngành bất động sản, không thể không nhắc đến những doanh nhân và thương hiệu nổi tiếng. Họ đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình bằng thành công từ những dự án quy mô tầm cỡ lớn sánh ngang với quốc tế. Lúc xuất phát, có lẽ họ cũng như bao người bình thường khác, nhưng chính sự khác biệt so với số đông còn lại đã đưa họ đến thành công, và sự khác biệt đó chính là biết đặt ra mục tiêu và quan trọng là có đủ khát vọng, ý chí, nghị lực, bản lĩnh và năng lực để thực hiện mục tiêu đó.
Và ông Bùi Thành Nhơn – người sáng lập Novaland, một tỷ phú và nằm trong TOP những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam chính là một minh chứng sống động.
Là một “tay ngang” trong lĩnh vực bất động sản, nhưng bằng con mắt tinh đời, tầm nhìn xa “thấy cơ trong nguy”, bằngnhững quyết định táo bạo, chớp đúng thời cơ và bản lĩnh của một người nắm vững luật chơi, luôn làm chủ cuộc chơi, ông đã đưa con thuyền Novaland vươn ra biển lớn như khối Rubik lấp lánh kiêu hãnh ngày càng tỏa sáng rực rỡ…
Trong bối cảnh đại dịch kéo dài, trước bao biến cố và rủi ro, vẫn nhìn thấy Novaland toả sáng với biểu tượng khối rubik màu xanh lá liên tục được thắp sáng tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố trọng điểm phía Nam. Thế nhưng khi tìm hiểu thông tin về doanh nhân Bùi Thành Nhơn – người sáng lập – chỉ nhận được những dòng chữ ít ỏi “Cử nhân Nông nghiệp. Tốt nghiệp khóa Executive MBA, HSB-TUCK, Đại học Dartmouth, Hoa Kỳ. Là một trong những chủ doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại TP.HCM từ những năm 1980”.
Có lẽ cũng không nhiều người biết rằng, sau gần 30 năm hoạt động, thương hiệu Novland do ông phát triển cũng đã nói lên phần nào tính cách đặc trưng của ông và những con người xây dựng nên thương hiệu này.
Nova bắt nguồn từ tiếng La Tinh – Novator – có nghĩa là “người cải tiến”, còn từ “Land” theo tiếng Anh dịch nghĩa là “đất”. “Người cải tiến” ở đây muốn hàm ý chỉ ông Bùi Thanh Nhơn – chính là đại diện cho chủ tập đoàn. “Đất” ở đây tượng trưng cho thị trường bất động sản – lĩnh vực hoạt động chính của tập đoàn. Novaland đọc lên chỉ 3 âm tiết đơn giản nhưng đầy đủ ý nghĩa tượng trưng, tiêu biểu, khiến người ta càng dễ dàng hình dung ra chân dung một vị doanh nhân với nhiều cải tiến, đóng góp cho thị trường bất động sản.
Bước vào thị trường bất động sản năm 2007, đúng vào giai đoạn bắt đầu khó khăn, nhưng Novaland lại liên tục phát triển. Hàng ngàn căn hộ đã được doanh nghiệp này đưa ra thị trường. Hàng loạt thương vụ M&A được công ty này thực hiện. Novaland như một một ngôi sao sáng, khiến giới phân tích không khỏi đặt ra những câu hỏi: Bằng cách nào mà Novaland đã vượt qua những khủng hoảng rủi ro của thị trường? Họ lấy tiền đâu để M&A hàng loạt dự án? Và bản lĩnh của vị thuyền trưởng đầy “bí hiểm” này sẽ chèo lái con thuyền tiến ra đại dương ra sao?
Trải qua rất nhiều thách thức trên thị trường, câu trả lời của vị doanh nhân này gói gọn trong buổi họp Đại hội cổ đông 2020 rằng: “Henry Ford – người sáng lập Công ty Ford Motor đã nói, khi mọi thứ dường như đều chống lại bạn, hãy nhớ rằng máy bay cất cánh ngược gió, không phải theo chiều gió”.
Là doanh nghiệp đã đi qua cuộc khủng hoảng bất động sản, ông rất thấu hiểu và luôn tập trung tìm cách thoát khỏi cơn khủng hoảng kế tiếp. Dường như điều đó cũng thể hiện rõ tư tưởng, khát vọng, hoài bão của ông Bùi Thành Nhơn. Với động lực đó, ông đã đưa ra nhiều chiến lược đầu tư và những cải tiến trong suốt quá trình thành lập và phát triển các thương hiệu Novaland.
Dấu ấn đầu tiên trên thị trường của ông Bùi Thành Nhơn và Novaland chính là sự xuất hiện của Sunrise City tại quận 7, TP.HCM. Dự án được khởi công vào năm 2009. Thời điểm ông Bùi Thành Nhơn đầu tư vào dự án Sunrise City cũng là lúc thị trường bất động sản bị khủng hoảng, hàng loạt dự án bất động sản phải “trùm mền”. Nhiều doanh nghiệp địa ốc không trụ được trước cú lao dốc của thị trường buộc phải co cụm, thậm chí phá sản.
Trước thực tế đó, bằng quyết tâm, nhiệt huyết của mình, ông Nhơn vẫn kiên trì cùng các cộng sự của mình xây dựng dự án đúng tiến độ, chứng minh cho khách hàng thấy Sunrise City là dự án thật, chất lượng thật. Đúng như tên gọi – Sunrise City đã vươn lên theo thời gian bất chấp mọi trở ngại.
Đến tháng 7/2012, uy tín của Novaland càng được khẳng định khi chính thức bàn giao dự án Sunrise City, góp phần tạo nên diện mạo một đô thị hiện đại ở khu Nam Sài Gòn, đồng thời mở ra một bước ngoặt mới trong lộ trình trở thành nhà phát triển dự án bất động sản chuyên nghiệp của Novaland. Cũng bằng việc tạo dựng niềm tin với đối tác và khách hàng, Novaland đã thoát khỏi vòng xoáy khủng hoảng chung của thị trường.
Nối tiếp thành công, từ năm 2014, thị trường bất động sản chứng kiến sự phát triển thần tốc của Novaland, khi Tập đoàn này chính thức công bố một loạt dự án mới tại thị trường TP.HCM. Cụ thể, năm 2014 Novaland đã giới thiệu 9 dự án mới; năm 2015 bàn giao 5 dự án và giới thiệu 11 dự án mới; năm 2016 giới thiệu 5 dự án mới…
Đến cuối năm 2016, vốn điều lệ Novaland đã tăng vọt lên gần 6.000 tỷ đồng, gấp 63 lần vốn ban đầu. Lúc này, Tập đoàn Novaland cũng chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM. Công ty chứng khoán VSBS khi đó đã nhận định, mỗi năm Novaland bán ra 6.000 – 7.000 căn hộ, chiếm lĩnh thị phần đáng kể thị trường địa ốc TP.HCM. Chỉ riêng năm 2016, có 8.000 căn hộ Novaland được bán ra thị trường, xếp thứ 2 thị trường bất động sản.
Cùng với chiến lược bán hàng bài bản thay vì thuê các sàn bất động hay qua đại lý cấp 1, 2, lượng hàng tồn kho của Novaland ở mức thấp. Hơn nữa, kết quả doanh thu thuần của Novaland ghi nhận con số ấn tượng trong năm 2016 khi đạt 7.369 tỷ đồng, tăng 208,78% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, phân khúc căn hộ đạt doanh thu thuần 5.603 tỷ đồng, đóng góp phần lớn và chiếm 78,07% tỷ trọng tổng doanh thu thuần, nhờ vào việc công ty tiếp tục bàn giao các căn hộ đã hoàn thiện cho khách hàng. Với kết quả kinh doanh khả quan, VCBS đã có nhiều khuyến nghị và cái nhìn lạc quan về cổ phiếu của Novaland.
Ngày 28/12/2016, 489 triệu cổ phiếu NVL của Novaland đã trở thành “bom tấn” trên thị trường chứng khoán Việt Nam và là cổ phiếu địa ốc có quy mô lớn thứ nhì trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Sau khi lên sàn, Novaland nhanh chóng khẳng định sự lôi cuốn đối với các nhà đầu tư bằng mức tăng giá 20% chỉ trong vòng 2 tháng.
Tuy nhiên, sự lớn mạnh của Novaland không chỉ ở kết quả kinh doanh, quy mô hoạt động, số lượng dự án mà quan trọng hơn chính là uy tín, tên tuổi của ông Bùi Thành Nhơn và thương hiệu Novaland.
Rõ ràng, trong bối cảnh thị trường bất động sản bị mất niềm tin, nhiều dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư thất hứa với khách hàng…, thì ông Nhơn đã từng bước xây dựng uy tín của thương hiệu Novaland thông qua các dự án có chất lượng, về đúng đích. Từ viên gạch đầu tiên, ông Bùi Thành Nhơn từng bước xây dựng các giá trị cho bản thân và thương hiệu để sẵn sàng cho lộ trình phát triển kế tiếp.
Người ta có thể hình dung, ông Bùi Thành Nhơn bản lĩnh bao nhiêu, tài giỏi thế nào mới có thể từ trong khó khăn mà chèo lái con thuyền Novaland tiến về phía trước. Có lẽ ông hiểu rằng, vào thời điểm mọi thứ đều đang ở trong khó khăn, thị trường suy sụp, chỉ cần ông dừng lại thì Novaland cũng sẽ bị dòng xoáy của khủng hoảng của thời đó cuốn phăng. Bởi vậy, không có cách nào khác ngoài việc tiến về phía trước bằng tất cả niềm tin và khát vọng chiến thắng của mình.
Bước qua khó khăn là sang một trang mới tươi sáng hơn với ông Bùi Thành Nhơn và Novaland. Năm 2016, Novaland đã trở thành doanh nghiệp bất động sản lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt Nam. Bởi trên sàn chứng khoán vào thời điểm đó đang có hơn 100 doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Với mức giá chào sàn vào ngày 28/12 là 50.000 đồng/cổ phiếu, Novaland trở thành doanh nghiệp bất động sản có vốn hoá lớn thứ 2 trên thị trường chứng khoán, chỉ đứng sau Tập đoàn Vingroup (111.575 tỷ đồng) và lớn hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp khác như Kinh Bắc – KBC với 6.459 tỷ đồng, Vinaconex – VCG với 6.051 tỉ đồng, FLC là 3.139 tỷ đồng, Khang Điền – KDH với 4.680 tỷ đồng….Còn ông Bùi Thành Nhơn cũng chính thức bước vào hàng ngũ những người giàu nhất Việt Nam. Những năm sau này, ông Bùi Thành Nhơn cũng liên tục lọt top 10 doanh nhân giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cũng phải khẳng định rằng, người sáng lập Novaland kế thừa tư duy người xưa một cách xuất sắc là “Không bỏ hết trứng vào một rổ”. Ông từng nhấn mạnh rằng: “Tập đoàn đa ngành không hẳn là xấu nếu đầu tư đúng, bởi dòng tiền đến từ nhiều “giỏ” sẽ hỗ trợ chúng ta rất nhiều khi cơn khủng hoảng ập đến. Điều quan trọng khi đầu tư là chúng ta phải có chiến lược rõ ràng và kiên định với mục tiêu”.
Ông Bùi Thành Nhơn cũng chia sẻ rằng: “Tập đoàn đa ngành cũng giống như con tàu chia làm nhiều khoang. Mỗi khoang phải riêng biệt, nếu thủng khoang này sẽ không làm ảnh hưởng đến khoang khác, không làm chìm tàu. Trong Group của chúng tôi đều tuyệt đối độc lập về tài chính và con người”.
Kết quả là trải qua hành trình hơn một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển, Novaland hiện sở hữu danh mục hơn 50 dự án nhà ở và quỹ đất với nhiều loại hình sản phẩm đa dạng đang triển khai, đã đưa vào sử dụng như: căn hộ, biệt thự, nhà phố, thương mại, văn phòng…; cùng nhiều quỹ đất có vị trí đắc địa tại TP.HCM, Đồng Nai, và nhiều dự án bất động sản Nghỉ dưỡng tại một số tỉnh thành lớn.
Không những thế, dưới sự chèo lái của thuyền trưởng Bùi Thành Nhơn, chiến thuyến Novaland vẫn đang tăng tốc theo từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (2007 – 2017), tập trung phát triển sản phẩm bất động sản nhà ở tại TP.HCM. Giai đoạn 2 (2018 – 2025), tiếp tục tập trung vào thị trường bất động sản trung tâm tại TP.HCM, cùng với đó là phát triển bất động sản Khu Đô thị Vệ tinh và bất động sản Du lịch – Nghỉ dưỡng – Giải trí.
Giai đoạn 3 (từ năm 2026), Novaland định hướng phát triển 4 lĩnh vực trọng tâm: Bất động sản, tài chính, dịch vụ – du lịch, hạ tầng. Bên cạnh đó là phát triển dịch vụ giá trị gia tăng và hệ sinh thái phục vụ cộng đồng dân cư của Novaland.
Chiến lược phát triển của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là tham vọng làm giàu, gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp mà xa hơn là tầm nhìn của vị lãnh đạo. Một sứ mệnh mà ông Bùi Thành Nhơn đã nhắc đến nhiều trong các lần đại hội cổ công, trong các buổi họp với cộng sự, các buổi lễ kỷ niệm với cán bộ nhân viên là “Kiến tạo cộng đồng – Xây dựng điểm đến – Vun đắp niềm vui”. Bởi vậy, chúng ta dễ dàng nhận thấy phía sau chiến lược phát triển của Novaland là một chân dung người lãnh đạo luôn kiên định và nhất quán với chiến lược và mục tiêu, sứ mệnh đã đề ra. Ông Bùi Thành Nhơn đưa ra một tầm nhìn dài hạn và đang kiên định đi đến mục tiêu với những kế hoạch thực tế và an toàn.
Cho đến nay, nhìn thấy sự lớn mạnh của Novaland, ít ai biết, người sáng lập – ông Bùi Thành Nhơn chỉ là “tay ngang”. Xuất phát điểm là cử nhân ngành chăn nuôi thú y và khởi nghiệp đầu tiên bằng việc kinh doanh thuốc cho động vật. Khoảng thời gian từ năm 1981 – 1983, ông Nhơn công tác tại Phòng Nông nghiệp, huyện Nhà Bè, TP.HCM, sau đó có hơn 10 năm làm việc tại Công ty Vật tư Chăn nuôi Thú y cấp I, TP.HCM. Ông chỉ thực sự bước chân vào lĩnh vực kinh doanh bằng việc thành lập công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn vào năm 1992 với số vốn điều lệ 400 triệu đồng. Lúc đó, ông tập trung kinh doanh thuốc thú ý, nguyên liệu dược và hóa chất.
Đến năm 2007, công ty này chính thức bước vào lĩnh vực bất động sản. Khúc cua sang bất động sản của ông Bùi Thành Nhơn được ví là “một nước cờ táo bạo” bởi vào thời điểm đó, thị trường bất động sản Việt Nam đang bị đóng băng do ảnh hưởng từ cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Một người làm ở lĩnh vực thuốc thú y lại bỗng chốc chuyển đổi sang làm bất động sản, một lĩnh vực mới và không liên quan đến nghề cũ có lẽ không phải là điều dễ dàng với ông Bùi Thành Nhơn. Bởi nếu không có tính toán những rủi ro như thị trường đóng băng, vốn không đủ duy trì, nguồn cung sản phẩm dư thừa thì sẽ ảnh hưởng không chỉ ở lĩnh vực phụ mà sẽ ảnh hưởng luôn đến ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp.
Nhất là vào bối cảnh khi ông Nhơn đặt chân vào lĩnh vực bất động sản năm 2007 – 2008 là giai đoạn thị trường bất động sản tại TP.HCM ở trong tình trạng “3 dở dang và 3 giảm” là: Đền bù dở dang, công trình dở dang, dự án dở dang; và giá mua giảm, sức mua giảm, giao dịch giảm.
Theo lẽ thường, trong lúc thị trường có nhiều khó khăn như vậy, doanh nghiệp sẽ gắng sức duy trì hoạt động đầu tư đã quen thuộc nhưng ông Bùi Thành Nhơn lại chọn thời điểm này là bản lề để cải tiến, tái cấu trúc, bước sang lĩnh vực bất động sản nhiều tiềm năng nhưng cũng đầy bất trắc. Nhưng đó không phải là sự liều lĩnh mà là quyết định táo bạo dựa trên những cơ sở tính toán khoa học về bối cảnh, nguồn vốn trong tay, đường đi nước bước của mình và cơ hội xoay chuyển của thị trường.
Nhận định về câu chuyện doanh nghiệp tay ngang lấn sân vào thị trường bất động sản, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay: “Trong lý thuyết kinh doanh, doanh nghiệp không bao giờ “bỏ trứng vào một rổ” mà thường đầu tư kinh doanh đa dạng. Sự đa dạng này dựa vào chức năng cốt lõi ngành nghề họ đang làm để đầu tư bên ngoài ngành. Kiểu đầu tư đa dạng hóa này trước tiên giúp phân tán sự rủi ro cho doanh nghiệp. Thứ hai là giúp nâng cao hiệu quả sử dụng các mặt hàng phục vụ đời sống của người dân.
Tuy nhiên, việc doanh nghiệp ngoại đạo đầu tư bất động sản cũng đứng trước khá nhiều rủi ro, và rủi ro sẽ cao hơn. Ví như đang làm công nghiệp chế biến, công nghiệp thực phẩm lại nhảy sang đầu tư địa ốc hay đang làm bất động sản nhưng lại nhảy sang kinh doanh một lĩnh vực thương mại không liên quan thì vừa không hiệu quả mà còn rủi ro. Nhưng thực tế, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều những doanh nhân lãnh đạo các doanh nghiệp ngoại đạo, khi có mọi điều kiện để kinh doanh tốt và huy động được vốn thì rõ ràng có thể đầu tư vào bất động sản và gặt hái được thành công.
Chuyện một công ty ở lĩnh vực khác chuyển sang kinh doanh bất động sản, tôi cho là vấn đề tất yếu. Quan trọng ở đây phải xem xét nhiều yếu tố về nội tại, nội lực. Trong đó thứ nhất là vốn, thứ hai là năng lực, thứ ba là kinh nghiệm. Đặc biệt là phải tìm được một CEO giỏi để điều hành, định hướng chiến lược sản phẩm, đưa ra kế hoạch bán hàng đúng đắn. Trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường, doanh nhân, doanh nghiệp sẽ dựa vào tín hiệu của thị trường để kinh doanh chứ không chỉ dựa vào sự may mắn”.
Tiến vào thị trường bất động sản bằng chiến lược M&A quỹ đất, Novaland đã chớp đúng cơ hội và “lớn nhanh như thổi”, bứt phá vượt lên so với các doanh nghiệp cùng thời điểm xuất phát. Thay vì tìm đến “đất vàng” như nhiều đại gia bất động sản, Novaland lựa chọn… “đất chết” – những dự án bất động sản của các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phải đắp chiếu trong thời kỳ khủng hoảng.
Từ năm 2013, Novaland đã nhanh chóng đi trước nhằm đón đầu đà phục hồi của thị trường bằng việc mạnh tay mua lại các “dự án chết” dạng này. Các dự án ấy đều nằm ở các quận trung tâm TP.HCM, như việc mua lại khu căn hộ Lexington Residence, The Sun Avenue, Lucky Dragon ở phía Bắc thành phố, hay Sunrise, Galaxy 9, River Gate 151 ở phía Nam, Lucky Palace và các dự án khác ở phía Tây…
Việc chủ động mua gom quỹ đất từ các dự án “chết” giúp Novaland vừa mua được giá hợp lý, vừa đỡ tốn thời gian và công sức tiến hành các thủ tục hành chính vô cùng rắc rối, đồng thời lại chủ động được vị trí và quy mô phù hợp. Nhiều người đã ví hành động này của ông Bùi Thành Nhơn là chiến lược “gom xác chết”. Tuy nhiên, nói như ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch SohoVietnam: “Không phải doanh nghiệp nào cũng biết tận dụng cơ hội lúc doanh nghiệp khác khó khăn để mở rộng kinh doanh. Bởi trong lúc thị trường khủng hoảng, nếu không đủ bản lĩnh, không tự tin vào bản thân mình và triển vọng tương lai, cũng như không hoạch định được bước đi hợp lý, doanh nghiệp sẽ khó trụ lại chứ chưa nói đến khả năng bành trướng. Thâu tóm được dự án cũng mới chỉ là bước đi đầu tiên để thâm nhập thị trường, còn phát triển dự án thế nào để tạo hiệu quả kinh doanh mới quan trọng và lại là bài toán khác”.
Hơn ai hết, ông Bùi Thành Nhơn hiểu rằng, M&A là con đường ngắn để một doanh nghiệp nhanh chóng biến thành người khổng lồ. Vị lãnh đạo này xứng đáng được xem là “huyền thoại” của làng bất động sản. Với tầm nhìn xa rộng, cùng tài xoay xở linh hoạt, ông đã tận dụng được thời điểm khó khăn của thị trường bất động sản để thâu tóm các quỹ đất, bởi chắc chắn chỉ khi có quỹ đất dồi dào, doanh nghiệp mới có thể nhanh chóng cho ra đời những dự án bắt kịp xu hướng của khách hàng. Chỉ cần chậm chân, đợi chờ đất tới tay có thể doanh nghiệp đó đã lỡ mất cơ hội tiên phong một sản phẩm mới cho thị trường.
Tuy nhiên, tính toán như thế nào trong cách chơi và nắm thế chủ động trong cuộc chơi ra sao thì không phải ai cũng dám mạo hiểm để có thể thành công. Để liên tục thực hiện các vụ M&A chất lượng, ông Bùi Thành Nhơn luôn phải đảm bảo yếu tố đầu tiên, đó là dòng tiền duy trì hoạt động của Novaland. Để có dòng tiền ổn định, bên cạnh việc phát hành trái phiếu, ông chủ Novaland cũng có thể xoay xở vốn bằng cách lấy từ tay phải là lĩnh vực thuốc thú y để nuôi lĩnh vực tay trái bất động sản.
Trong cuộc sống, có người có tài nhưng chưa chắc đã biết tận dụng điểm mạnh để phát huy tất cả sức mạnh tài năng của mình. Còn ông Bùi Thành Nhơn, với quỹ đất đã thâu tóm được trong cơ khủng hoảng, khi đối thủ của ông còn đang loay hoay vay vốn, đợi chờ phê duyệt quỹ đất thì ông đã sẵn sàng khởi công dự án.
Khi đã sẵn có chiến lược cùng với khát vọng mạnh mẽ thì nhất định sẽ không chịu dừng lại, nhiều năm trở lại đây, ông Nhơn vẫn chèo lái con thuyền Novaland chinh chiến từ Nam ngược ra Bắc để mua gom, tạo quỹ đất rộng lớn, đưa Novaland thành tập đoàn sở hữu quỹ đất lớn hàng đầu.
Gần 5.000 ha quỹ đất sở hữu của Novaland được nghiên cứu dành cho 3 dòng sản phẩm gồm: Bất động sản trung tâm TP.HCM, bất động sản khu đô thị vệ tinh tại Đồng Nai và bất động sản nghỉ dưỡng tại các tỉnh tiềm năng du lịch. Mở rộng ra phân khúc sản phẩm khác bằng chiến lược bài bản, có thể giúp Novaland nhanh chóng bứt phá trên thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, cũng có không ít hoài nghi về tiềm lực thực sự của Novaland. Song theo đánh giá của một chuyên gia bất động sản, thì cơ sở để Novaland lớn mạnh như hiện nay hoàn toàn dựa vào chiến lược cơ cấu sản phẩm và linh hoạt trong bán hàng.
Với triết lý mượn sức từ người khổng lồ, nhiều hoạt động hợp tác với những tập đoàn đẳng cấp quốc tế đã giúp Novaland vừa có thêm vốn, thêm kinh nghiệm quản lý, vừa nâng cao tính chuyên nghiệp trong việc phát triển sản phẩm. Cùng với đó là hợp tác với siêu sao quốc tế, giới nghệ sĩ trong nước để thực hiện quảng cáo thương hiệu bán hàng… Hãy xem Novaland tung ra bao nhiêu chiêu thức để bán hàng trong mấy năm qua để thấy được sự tài tình và linh hoạt trong chiến lược kinh doanh đối với từng dự án. Và thực tế cho thấy, sau giai đoạn khủng hoảng, Novaland vẫn trưởng thành vững mạnh trên thị trường bất động sản.
Ông Bùi Thành Nhơn đã khẳng định rằng: “Novaland sẽ trở thành một tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh của Việt Nam. Khi nói đến Nhật Bản, người ta thường nhắc đến Honda, Toyota. Khi nhắc đến Hàn Quốc, người ta nói đến Hyundai, Samsung. Đây là những cái tên mang đến sự phồn thịnh của quốc gia đó và tôi muốn rằng khi nhắc đến Việt Nam, Novaland cũng là cái tên mang lại sự phồn thịnh, kiến tạo những cộng đồng nhân văn cho người dân Việt Nam”.
Không giống như một số ngành kinh doanh khác, bất động sản là một ngành cần rất nhiều vốn, nhất là khi đẩy mạnh hoạt động M&A. Để trả lời câu hỏi “lấy tiền ở đâu để thực hiện M&A”, phải nhớ lại rằng, trước khi bước vào khủng hoảng và dòng tiền bị xiết chặt, Novaland đã kịp phát hành trái phiếu để có vốn phát triển dự án Sunrise City.
Tiếp đó sau khủng hoàng, vào cuối năm 2016, ông Bùi Thành Nhơn đã đưa Novaland lên sàn chứng khoán. Giới chuyên gia giai đoạn đó nhận định, NVL là cổ phiếu đáng đầu tư nhất. Với chiến lược phát triển dài hạn như Novaland đã công bố, cổ phiếu của Tập đoàn này sẽ sớm nằm trong nhóm có giá trị cao nhất trên thị trường chứng khoán. Dự báo này quả không sai khi nhiều năm liền, NVL luôn nằm trong top những cổ phiếu sốt nóng nhất của giới đầu tư.
Điều này đã giúp Novaland củng cố dòng tiền, thêm nhiều đối tác chiến lược, mở rộng độ phủ thương hiệu, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo thêm nhiều tài sản có dòng tiền ổn định, không lệ thuộc quá nhiều vào ngân hàng…
Tuy vậy, khác với phần lớn các nhà phát triển bất động sản trên thị trường, Tập đoàn Novaland còn mở rộng các kênh để huy động vốn. Thay vì tập trung vào nguồn vốn trong nước (mà chủ yếu là các ngân hàng), Novaland rất tích cực huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài.
Đáng chú ý là Novaland đã chính thức niêm yết trái phiếu chuyển đổi trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore vào ngày 30/4/2018. Câu chuyện doanh nghiệp Việt tính đến việc niêm yết trên sàn chứng khoán ngoại không phải là điều mới lạ. Còn nhớ, nhiều doanh nghiệp Việt tên tuổi trên thị trường đã từng ráo riết tính đến chuyện niêm yết trên sàn chứng khoán ngoại, nhưng những “giấc mơ” đó đều chưa thành hiện thực. Chẳng hạn như với Vinamilk, mặc dù nhận được thư chấp nhận niêm yết từ Sở giao dịch chứng khoán Singapore ngày 31/10/2008, song việc niêm yết đã không thành hiện thực. Hay Vinagame tuyên bố sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ vào năm 2017 nhưng giờ đây đã không còn được nhắc đến. Một doanh nghiệp khác là Cavico đã từng lên sàn chứng khoán Mỹ nhưng phải rời sàn vào năm 2011.
Nhiều doanh nghiệp Việt khác gồm Hoàng Anh Gia Lai, Petrolimex, PVFC, Vietjet, SSI cũng từng đánh tiếng về việc muốn đưa cổ phiếu lên các sàn chứng khoán quốc tế như Singapore, Hong Kong, London nhưng đến nay chưa có cái tên nào chính thức triển khai kế hoạch.
Giới nghiên cứu lúc đó đã nhận định, đây là cột mốc lớn, sau nhiều năm, một doanh nghiệp Việt Nam đã phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi trên sàn giao dịch quốc tế, phá vỡ sự trầm lắng phá vỡ sự trầm lắng kéo dài kể từ giao dịch tương tự trước đó của Vingroup diễn ra vào năm 2012.
Việc Novaland mạnh dạn tham gia vào phương thức huy động vốn thông qua phát hành kết hợp cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi đã thể hiện một nỗ lực đáng chú ý của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường vốn của khu vực. Bên cạnh đó còn cho thấy sự thấy sự tự tin và tầm nhìn của người lãnh đạo. Việc quyết định chào bán cổ phiếu ở nước ngoài sẽ mở ra cánh cửa để thu hút số lượng vốn rất lớn từ nước ngoài cho doanh nghiệp.
Đến nay, kinh tế Việt Nam và thế giới đã và đang trải qua những khó khăn với đại dịch toàn cầu Covid-19, nhưng Tập đoàn Novaland vẫn thành công trong việc thu hút nguồn vốn quốc tế, nhờ vào năng lực, sự chuyên nghiệp và kinh nghiệm của tập đoàn trong việc tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Điều đó cho thấy, Novaland đưa ra các cấu trúc vốn có thể đáp ứng nhu cầu đầu tư của tất cả các đối tượng, gồm quỹ đầu tư, các định chế tài chính quốc tế, cũng như cả các tổ chức và nhà đầu tư trong nước… Nó cũng thể hiện rõ vai trò dẫn dắt hướng đi và tầm nhìn của ông Bùi Thành Nhơn – người sáng lập.
Bởi để phát hành trái phiếu quốc tế, các doanh nghiệp phải minh bạch, công khai và có dự án tốt. Phát hành trái phiếu quốc tế thành công là điều tốt cho doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tiềm ẩn những rủi ro bị thâu tóm, vì trong không ít trường hợp, các chủ nợ cho vay với mục đích đẩy doanh nghiệp vào khó khăn sau đó thực hiện thâu tóm doanh nghiệp hay các dự án mà họ cho vay.
Trong cơ luôn có nguy và trong nguy cũng luôn có cơ. Không có gì chắc chắn 100%. Để đi đến thành công lớn bao giờ cũng chứa đựng rủi ro cao. Nhưng nếu không dám chấp nhận rủi ro thì sẽ không bao giờ có được thành công. Vấn đề là phải làm chủ được cuộc chơi, muốn vậy phải nắm trong tay các quy tắc hoạt động trên thương trường quốc tế. Với tham vọng tiến ra biển lớn, cách thức mà ông đang đi tất nhiên sẽ có rủi ro đi cùng với thắng lợi. Người cuối cùng đưa ra quyết định đàm phán, đầu tư, phát hành trái phiếu, cổ phiếu sẽ cần phải quyết đoán hay như người xưa vẫn gọi là “gan lớn”. Hơn hết, ông Nhơn đã phải có nhiều phương án, giải pháp cho một vấn đề để sẵn sàng trước những tình huống xảy ra. Vấn đề cuối cùng vẫn là ở mình.
Ông Nhơn từng thừa nhận, đối thủ lớn nhất của ông chính là… bản thân mình: “Tôi chơi golf từ năm 1997 và tôi rất thích môn này vì nó không có tính đối kháng. Mỗi người đều phải tự thắng chính mình. Đối với Novaland, đối thủ cạnh tranh chỉ là những thông tin khi triển khai kế hoạch. Nội lực mới là điều quan trọng. Phải chuẩn bị nguồn lực về tài chính, cải thiện dòng tiền, nâng cao đội ngũ quản trị chuyên nghiệp, xây dựng hệ thống, quy trình, quản trị rủi ro…. Đó mới là điểm cốt lõi”.
Để thực hiện khát vọng lớn thì không thể chỉ quẩn quanh trong ao nhà mà phải dấn thân ra biển lớn. Nhưng ra đại dương cũng đồng nghĩa với việc phải đối mặt với sóng to gió lớn và lúc này hơn bao giờ hết, rất cần bản lĩnh của người thuyền trưởng.
Trên thực tế, từ thời điểm cuối năm 2019, không riêng Novaland mà hàng trăm doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM cũng đang gặp khó do quá trình rà soát pháp lý kéo dài. Cùng với những quy định chồng chéo, bất cập trong các văn bản mới được ban hành khiến không ít chủ đầu tư rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Các quy định không rõ ràng về giải quyết đất công, dự án vướng đất hỗn hợp, đất xen cài manh mún khiến cho doanh nghiệp bối rối như “gà mắc tóc”.
Nằm trong vòng xoáy khó khăn, Novaland cũng có dự án bị ách tắc bởi việc chậm trễ giải quyết từ phía cơ quan Nhà nước. Đơn cử như tại dự án Khu Dân cư Bình Khánh (diện tích 30,224ha tại P.Bình Khánh, Q.2, TP.HCM) do Công Ty TNHH Phát Triển Quốc Tế Thế Kỷ 21 – là công ty thành viên của Tập đoàn Novaland – làm Chủ đầu tư.
Vốn dĩ dự án này đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với hơn 506 căn hộ tái định cư và đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật toàn khu; đang tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng giai đoạn 2. Dự án nằm trong thỏa thuận mua lại các căn hộ tái định cư thuộc dự án giữa Chủ đầu tư và đại diện Thành phố là Ban quản lý Khu quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (Ban quản lý Thủ Thiêm), tuy nhiên, do ngân sách thành phố có khó khăn nên được thống nhất thực hiện phương án hoàn tất giai đoạn 1, không đầu tư xây dựng giai đoạn 2 và dùng quỹ đất giai đoạn 2 để tạo vốn thanh toán cho giai đoạn 1.
Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với toàn bộ diện tích Khu Đất cho dự án này cũng đã được hoàn tất. UBND TP.HCM cũng đã ban hành Quyết định chủ trương đầu tư số 3990/QĐ-UBND chấp thuận cho Chủ đầu tư tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 là căn hộ thương mại do không còn nhu cầu sử dụng cho tái định cư.
Tuy nhiên, trong quá trình rà soát chung, dự án này cũng như các dự án bất động sản khác bị rà soát kéo dài dẫn đến việc chậm triển khai và phát sinh nhiều hệ quả, đặc biệt là phát sinh chi phí vốn cho đầu tư, xây dựng…
Novaland cùng các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào dự án này khoảng gần 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đình trệ này đã và đang ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh chung của Tập đoàn, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó cũng ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung của TP.HCM.
Đại diện cho khối doanh nghiệp đang trong cơn bĩ cực và cũng đại diện giới doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM, ông Nhơn đã gửi đơn tới Bộ trưởng Xây dựng vào đúng mùng 1 Tết Nguyên đán Canh Tý.
Trong lá đơn ông Nhơn lên tiếng cảnh báo nguy cơ khó khăn, lâm vào cảnh phá sản của nhiều doanh nghiệp nếu những điểm nghẽn về pháp lý của các dự án không được Nhà nước tháo gỡ, việc rà soát, thanh tra các dự án không được tiến hành nhanh chóng.
Nhiều người có thể sẽ hình dung ra hình ảnh một vị doanh nhân chỉ ngay sau lễ cúng Giao thừa đã trở ra bàn làm việc khai bút bằng lá đơn đầy tâm tư này. Nhiều nhận định lúc đó cũng cho rằng, nếu xử lý không khéo, thậm chí vượt kiểm soát sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu Novaland. Lá thư sẽ khiến các đối tác có ý định hợp tác với Novaland phải suy nghĩ lại về năng lực hiện tại của Novaland. Nhưng bản thân là một doanh nhân lão luyện, ông chủ Novaland hẳn phải biết cả những rủi ro, thậm chí đã phải cân nhắc đến hậu quả trước khi gửi đơn.
Điều đó cho thấy, vị truyền trưởng này dám đứng ra không chỉ để nói tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, mà hơn hết là cất tiếng nói cho hàng ngàn cán bộ nhân viên của Tập đoàn. Đây là đối tượng có thể bị ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập từ công việc, chất lượng cuộc sống khi doanh nghiệp gặp khó khăn.
Ông Nhơn đã chủ động nêu lên các ý kiến cũng như kiến nghị để chính quyền các cấp xem xét và hỗ trợ tháo gỡ. Động thái này được các Hiệp hội đồng lòng ủng hộ và các Bộ ban ngành, Cơ quan Chính phủ lắng nghe, tích cực hành động giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Chúng ta còn thấy ẩn sau đó là một doanh nhân luôn chủ động và tích cực giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp thay vì bị động khi khó khăn ập đến.
Ông Nhơn đã từng chia sẻ trong một sự kiện của Tập đoàn Novaland rằng: “Tôi muốn nói với cả nhân viên và cả đối tác, là chúng ta hãy cùng nhau trồng cây và cùng nhau hái quả”. Đây chính là một quan điểm nhân văn. Chiến lược kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp sẽ gắn chặt với lợi ích của mỗi bộ phận, cá nhân, từ đó góp phần xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.
Không ngừng cải tiến và hoàn thiện để trở thành một thương hiệu Việt theo quy chuẩn quốc tế, có năng lực cạnh tranh cao, làm việc hiệu quả, ông Bùi Thành Nhơn còn xây dựng một văn hóa riêng tại Novaland. Nếu đất nước Singapore được Thủ tướng Lý Quang Diệu gây dựng thành công vượt trội dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản là Trọng dụng nhân tài, Thực dụng và Trung thực, thì ở Novaland, ông Bùi Thành Nhơn cũng có 3 nguyên tắc rất nghiêm ngặt là Chính trực – Hiệu quả – Chuyên nghiệp.
Ông Nhơn khẳng định: “Con người Novaland với giá trị cốt lõi: Chính trực – Hiệu quả – Chuyên nghiệp là tài sản quý báu của tập đoàn; là chìa khóa của sự thành công sẽ sớm hiện thực hóa được sứ mạng, hoài bão của Novaland Group”.
Hay cũng trong lời mở đầu giới thiệu về bộ quy tắc ứng xử của Novaland, vị doanh nhân này đã viết: “Tại Novaland, chúng ta không xây dựng thương hiệu cá nhân, chúng ta xây dựng đội ngũ, và đội ngũ xây dựng thương hiệu. Sự đóng góp và ý thức gìn giữ của các bạn sẽ được ghi nhận. Những hành vi đi ngược lại với văn hoá ứng xử sẽ làm tổn hại đến thương hiệu và sẽ bị loại trừ”.
ới văn hoá xây dựng con người như vậy, ông Bùi Thành Nhơn đã có được chiến thuyền Novaland với một đội ngũ nhân viên tận tâm với khách hàng, chuyên nghiệp về phát triển và quản lý dự án, về quản trị tài chính, quản trị rủi ro… theo chuẩn mực quốc tế.
Cùng với triết lý “Cải tiến nhỏ – Thành công lớn”, toàn thể cán bộ, nhân viên luôn sáng tạo, kiên định với mục tiêu phát triển lâu dài, đưa con thuyền Novaland không ngừng tiến lên phía trước. Cũng chính nguyên tắc này là một trong những yếu tố đã tạo nên uy tín cho tập đoàn trên thị trường bất động sản.
Với chiến lược đầu tư đa ngành mà trọng tâm là bất động sản, Novaland Group luôn giữ vững vị thế là nhà phát triển bất động sản hàng đầu. Ở mỗi địa phương đang triển khai dự án bất động sản, Nova Group đều có chiến lược phát triển thành những “điểm nhấn” của địa phương bằng việc kiến tạo một hệ sinh thái đẳng cấp phục vụ trọn vẹn nhu cầu của khách hàng, xây dựng những công trình đẹp, có giá trị với thời gian, bắt kịp xu hướng của thế giới, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Việt Nam.
Theo giới phân tích, trong 2 năm trở lại đây, trong bối cảnh khó khăn dịch bệnh, cũng như rất nhiều chủ đầu tư và phát triển bất động sản khác, Novaland cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, khác biệt duy nhất nhưng vô cùng quan trọng làm nên sự vững mạnh của Novaland chính là tầm nhìn xa của người lãnh đạo.
Trong khi không ít doanh nghiệp khác vẫn đang loay hoay tìm hướng đi mới, thì Novaland đã hăm hở gia nhập các đại công trường dọc bờ biển Việt Nam từ Vũng Tàu cho đến Cam Ranh; chính thức nhảy vào mảng miếng giàu tiềm năng là bất động sản nghỉ dưỡng. Và cũng như những mảng cũ – bất động sản nhà ở, ở mảng mới Novaland cũng tập trung phát triển các đại dự án – chứ không thực hiện các dự án nhỏ lẻ.
Thời gian tới, ngoài hai lĩnh vực bất động sản đô thị và bất động sản nghỉ dưỡng, Novaland cũng chú trọng phát triển bất động sản công nghiệp với thương hiệu Nova Industria Park, đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài dịch chuyển sau đại dịch Covid-19. Đây là hướng đi mới nhưng sẽ sớm trở thành một trong ba dòng chảy chủ lực trong chiến lược kinh doanh của Tập đoàn.
Công ty chứng khoán Rồng Việt cho rằng, giai đoạn 2021 – 2024 sẽ là giai đoạn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực đối với Novaland. Các yếu tố xúc tác chính bao gồm việc mở bán và bàn giao tốt tại ba dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở các khu vực vệ tinh. Tiếp theo là các nút thắt về pháp lý đang dần được tháo gỡ khi một số luật, nghị định đã bắt đầu có hiệu lực ngay trong năm 2021 giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án ở TP.HCM trong thời gian tới. Các chuyển biến tích cực của các dự án cơ sở hạ tầng lân cận sẽ hỗ trợ về giá và tỷ lệ hấp thụ cho dự án của Novaland.
Phía sau sự thành công và bước tiến dài trong tương lai của Novaland chính là người lãnh đạo, dẫn dắt Bùi Thành Nhơn. Thực tế là tầm nhìn xa của người lãnh đạo luôn cao hơn tầm phát triển của doanh nghiệp. Khi bản thân người lãnh đạo nhìn xa rõ ràng về tương lai và nắm bắt các cơ hội mới thì từ đó đội ngũ sẽ phát triển theo. Mặt khác, ông Nhơn dám chấp nhận mạo hiểm, giải quyết các vấn đề khó khăn, thử thách thì doanh nghiệp và đội ngũ của ông cũng sẽ không đi trệch khỏi các giá trị cốt lõi và mục tiêu.
Bản thân ông Nhơn đã thành công trong vai trò là người dẫn dắt, đưa Novaland từng bước đến với những đỉnh cao của thành công mới. Nhưng chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức bởi tăng trưởng nào rồi cũng đến điểm tới hạn. Song, nhìn vào những chiến lược và định hướng của tương lai, chúng ta có thể tin tưởng rằng, kinh tế và thương hiệu của ông Bùi Thành Nhơn cũng như Novaland sẽ còn dày thêm những trang lịch sử đại diện cho thành công của doanh nghiệp tư nhân.
Như ông Nhơn đã khẳng định: “Mức độ thành công được xác định không phải bởi những gì chúng ta đã đạt được, mà bởi những trở ngại chúng ta đã vượt qua”.
Nguồn dẫn: An Vũ/ Reatimes.vn
Link bài gốc: https://reatimes.vn/bui-thanh-nhon-va-khoi-rubik-novaland-lap-lanh-20201224000005427.html